Sân chơi chung cư – Lợi ích cộng đồng

Tham khảo một số sân chơi chung cư do VIVADO cung cấp lắp đặt thiết bị BẤM VÀO ĐÂY

Trong mỗi khu vực dân cư, tổ chức một không gian làm nơi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ ở những tập thể cũ, những khu dân cư cũ mà cả ở những đô thị mới, mặc dù được quy hoạch rõ ràng, không gian này vẫn bị chiếm dụng. Giữ gìn sân chơi, phục vụ lợi ích cộng đồng là điều không dễ.

Ðịa điểm kinh doanh các loại dịch vụ

Tại các khu tập thể cũ của Hà Nội, không gian sinh hoạt cộng đồng thường là khoảng sân kéo dài giữa hai dãy nhà cao tầng. Các dãy nhà nằm song song tạo ra những khoảng sân dài, rộng, vuông vắn, đều đặn, là nơi mỗi sáng, chiều, tối, người già, trẻ em… tụ tập vui chơi, trò chuyện. Không gian ấy một thời thật êm đềm, chan hòa tình nghĩa. Vì nhu cầu cuộc sống, nhiều người bung ra làm ăn buôn bán. Những không gian chung ấy dần bị thu hẹp bởi chính những người dân sống trong khu vực. Nào là phơi quần áo, chăn, chiếu, trồng cây cảnh, nào là bán hàng ăn, giải khát, trông giữ xe đạp, xe máy… Không hiếm khi, những người chiếm dụng không gian ấy “quên mất” họ đang sử dụng của chung mà quát những đứa trẻ hay người nào đó làm ảnh hưởng tới hoạt động của họ. Ðó là những người thiếu ý thức cộng đồng và chính họ cũng tự tước đi quyền hưởng thụ không gian sống của mình. Ðồng thời, việc chiếm dụng đó tồn tại còn bởi cộng đồng dân cư trong khu vực cũng có nhu cầu sử dụng những dịch vụ đang diễn ra trong không gian chung ấy.

Kim liên  Bánh đúc nóng, cháo sườn, cháo trai, bún đậu mắm tôm, bún chả… Chất vật liệu xây dựng thừa

Sân chơi cộng đồng tại các khu tập thể cũ tại Hà nội bị chiếm dụng làm hàng quán

Ðiều đáng nói là tại những khu đô thị mới, những chung cư cao tầng hiện đại, người dân có đời sống cao hơn, họ thật sự có nhu cầu duy trì không gian sinh hoạt chung, thoáng đãng, sạch đẹp, văn minh, nhưng phần lớn lại bất lực trước sự chiếm dụng có quy mô của nhà đầu tư hay các công ty quản lý nhà. Ở đô thị Nam Trung Yên, những khoảng trống rộng rãi giữa các dãy nhà chung cư đã bị các trung tâm đào tạo lái xe sử dụng làm bãi tập lái cho học viên. Dù trẻ em ở đây rất thích được chạy nhảy tung tăng dưới sân mỗi buổi chiều tan học nhưng người lớn buộc chúng phải tránh xa khu vực đang có xe tập lái để bảo đảm an toàn. Chung cư ở Làng quốc tế Thăng Long hiện đại là thế mà không gian sống vẫn chưa được coi trọng, những khoảng sân phía trước chung cư biến thành bãi để xe ô-tô. Hay ở khu đô thị Ðông – Nam đường Trần Duy Hưng, tầng một các dãy nhà được cho thuê kinh doanh nhà hàng, giải khát, ngân hàng, siêu thị…, nên khoảng sân dưới các tòa nhà đã bị biến thành bãi trông xe phục vụ các dịch vụ ấy, gây khó khăn cho việc đi lại, vui chơi giải trí của người dân, khiến người dân sinh sống ở đây rất bức xúc.

Bức xúc hơn cả là trường hợp các hộ dân sinh sống tại chung cư CT2 Mễ Trì Thượng đã phải gửi đơn khiếu nại Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 68 – chủ đầu tư dự án chiếm dụng tầng để xe và sân chơi của tòa nhà để làm văn phòng thương mại và quây hàng rào, dựng lán tôn thành bãi trông xe công cộng rất mất mỹ quan đô thị…

Bảo vệ bằng cách nào?

Nếu ở các khu tập thể cũ, chỉ cần tổ dân phố họp thống nhất giải tỏa các hoạt động lấn chiếm sân chơi thì ở những khu đô thị mới, việc lấy lại sân chơi về cho cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các khu đất chung hiện chưa được các chủ đầu tư dự án bàn giao cho phường quản lý. Trong khi đó, khi lấn chiếm diện tích chung để kinh doanh, như dịch vụ trông giữ xe chẳng hạn, chủ kinh doanh có giấy phép do Sở Giao thông vận tải cấp cho nên UBND phường không có quyền kiểm tra, xử lý. Các hộ thuê địa điểm kinh doanh ở tầng 1 cũng vậy, họ nghiễm nhiên coi khoảng sân trước cửa hàng là của mình và tổ chức trông xe cho khách hàng hoặc kê bàn ghế chiếm dụng khoảng không… Với thực tế ấy, việc yêu cầu chủ đầu tư chung cư trả lại sân chơi cho cộng đồng là điều không dễ dàng.

Các sân chơi tại các khu chung cư mới được chủ đầu tư và Ban Quản Trị dân cư đầu tư các trang thiết bị do VIVADO lắp đặt 

Tuy vậy, khó nhưng không phải là không làm được, vẫn có những khu vực cộng đồng dân cư bảo vệ được lợi ích chung của mình. Sân chơi dưới tòa nhà chung cư CT2 Ðịnh Công là một thí dụ. Cách đây mấy năm, khoảng sân này cũng là điểm trông giữ xe ô-tô. Ðã nhiều lần, người dân rất bức xúc trước cảnh trẻ em đang tung tăng chạy nhảy thì những chiếc ô-tô con lừ lừ tiến vào hoặc lùi ra. Dù có bấm còi hay không thì vẫn rất nguy hiểm bởi trẻ con mải chơi không thể quan sát, người lớn nhiều khi nhìn thấy nguy hiểm mà không phản ứng kịp. Tổ dân phố ở đây đã có những cuộc họp bàn, làm việc kiên quyết với chủ đầu tư. Giải pháp ngăn chặn triệt để được đưa ra là, các hộ dân nhất trí đầu tư lắp đặt một hàng ghế đá bao quanh sân chơi, vừa làm chỗ ngồi hóng mát vừa để bảo vệ khoảng không, ô-tô không thể đi vào được, xe gắn máy cũng được ngăn cấm. Hiệu quả thật tuyệt vời, sân chơi không chỉ là nơi nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu lý tưởng của các hộ dân chung cư mà là của toàn thể dân cư sống quanh khu vực. Không gian trước tòa nhà 34T đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính cũng là một sân chơi công cộng. Không chỉ có người dân sống trong khu vực mà rất nhiều người ở nơi khác cũng cho con em tới vui chơi tại đây bởi một không gian rộng, an toàn như vậy thật hiếm có ở Thủ đô. Với cách thiết kế xây dựng khoảng sân tôn cao, rộng và độc lập như một “quảng trường” có lát gạch bóng, các phương tiện đều không thể vào, khu vực chỉ dành cho người đi bộ. Và mọi người tới đây đều “nói không” với những dịch vụ làm ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường. Mỗi tối mùa hè, nơi đây nhộn nhịp bước chân trẻ em với đủ những loại hình, phương tiện vui chơi.

Gìn giữ, duy trì những khoảng không gian trống làm nơi vui chơi, sinh hoạt cộng đồng là rất cần thiết, nhất là khi nhịp sống hối hả không cho phép mỗi người, mỗi nhà có thời gian, điều kiện thường xuyên tới các công viên, khu vui chơi giải trí. Nhất là các em nhỏ rất cần những nơi hoạt động thể chất ngoài trời hằng ngày thay vì chỉ ngồi giải trí thụ động trong nhà. Vì vậy, bảo vệ sân chơi ở các chung cư đòi hỏi ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao hơn nữa của các cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những quy chế, chế tài cụ thể về quản lý các công trình nhằm giúp người dân bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.

MINH HẠNH (Báo Nhân Dân)