“Chỗ chơi” nơi đô thị: Sân chơi cho trẻ, từ hình khối đến sắc màu

Tác giả: KTS Lê Khánh Vân

Những ngày qua, khi nỗi lo về dịch Covid tạm lắng xuống, thì vụ cây phượng “thi nhau” gãy đổ trong các sân trường lại gióng lên hồi chuông về tính an toàn sân chơi trẻ em trong trường học. Tuy nhiên, nếu chuyển các góc nhìn vấn đề này về quan điểm thiết kế đô thị, dù quan niệm trồng cây phượng vĩ trong khuôn viên trường học là “lẽ dĩ nhiên” với văn hóa Việt Nam, nhưng, việc thiết kế không gian chơi cho trẻ bằng những quan niệm dường như ẩn chứa rất nhiều nguy cơ và rủi ro, nhất là với đối tượng trẻ em. Qua sự việc này, chúng ta, những nhà chuyên môn tái xem xét những tiêu chí quan trọng trong việc thiết kế sân chơi an toàn mà vẫn thu hút, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.

1. Trẻ em “như búp trên cành”
“Within the child lies the fate of the future”-Maria Montessori (*) – “Ẩn chứa trong trẻ nhỏ là vận mệnh của tương lai”, câu nói của nhà giáo dục học nổi tiếng người Ý tái khẳng định tầm quan trọng của trẻ em với vận mệnh của một dân tộc. Dù vậy, khi còn nhỏ, những em bé mong manh như chiếc chồi non, cần phải bảo vệ đúng cách thì mới phát triển tốt và lành mạnh. Do đó, việc nghiên cứu rõ và sâu hơn về các đặc tính tâm, sinh lý của trẻ để tìm hiểu về nhóm đối tượng sử dụng không gian đặc biệt này là quan trọng trong khuôn khổ bài viết.
Về đặc tính sinh lý, trẻ em sở hữu một cơ thể nhỏ bé nhưng không ngừng thay đổi phát triển nên các hoạt động cũng phải đáp ứng được với các lứa tuổi khác nhau. Ví dụ, các dụng cụ chơi nhỏ hơn người lớn và kích thước, nhóm hoạt động được nghiên cứu riêng cho từng lứa tuổi (sơ sinh, mẫu giáo, tiểu học, trung học).
Về đặc tính tâm lý, do nhu cầu khám phá mọi thứ xung quanh rất cao nên trẻ sở hữu tính hiếu động, khám phá mọi thứ xung quanh mình như thiên nhiên, con vật, màu sắc, hình khối… nhưng lại có tính phụ thuộc vào người lớn, chưa đủ nhận thức giữ an toàn cho bản thân. Do đó, tâm sinh lý trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều từ các phía, chủ yếu từ cách giáo dục nhà trường và hành vi, ứng xử của phụ huynh. Các thông tin về cách giáo dục trẻ ở Việt Nam và Pháp trong bảng 1 cũng chứng minh sự khác biệt giữa những đứa trẻ đến từ hai nền giáo dục và văn hóa khác nhau.
Sở hữu những biến số về đặc trưng tâm sinh lý, nhu cầu vui chơi cho trẻ ở mỗi độ tuổi là hoàn toàn khác nhau, bị thu hút bởi các yếu tố và loại hình trò chơi riêng biệt. Từ đó, việc thiết kế sân chơi cho trẻ trước nhất cần phân định rõ nhu cầu các lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, môi trường sống và sinh hoạt của trẻ chứ không thể thiết kế rập khuôn tất cả sân chơi. Việc thiết kế sân chơi trẻ em cũng nên nghiên cứu để có sự tương tác qua lại giữa các nhóm trẻ ở các độ tuổi khác nhau, đặc biệt để nhóm trẻ khuyết tật có thể cùng sử dụng (hiện nay rất ít sân chơi trẻ em làm được điều này kể cả ở các nước văn minh châu Âu hoặc Mỹ), trong khi đây là nhóm trẻ rất cần lưu tâm đến việc vui chơi và tăng tính tương tác, hòa nhập xã hội.

2. Tính an toàn không gian công cộng cho trẻ vẫn chưa được chú trọng
Ở Việt Nam, dù hiện tại, vẫn có các tiêu chuẩn thiết kế sân chơi cho trẻ tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều thiếu sót và sai phạm.
Lướt qua một số sân chơi trẻ ở các đô thị lớn như ở TP.HCM, ta dễ dàng tìm gặp hình ảnh một số nền/sàn của sân chơi vẫn làm bằng bê tông, các thiết bị đồ chơi có chiều cao vượt quá mức quy định, lắp ráp đôi khi không đúng kỹ thuật dễ gây nguy hiểm cho trẻ, sân chơi chưa được chăm sóc kỹ về an toàn, hoặc ngược lại, tình trạng chiếm dụng không gian công cộng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, khiến sân chơi cho trẻ chỉ là những khoảng trống vô hồn bên cạnh “chỗ ăn chơi của người lớn”. 
Thực tế chính quyền Paris quản lý khá kỹ vấn đề này khi có những khung luật từ các quy mô từ lớn như quy hoạch mảng xanh công cộng, đến các quy mô vừa và nhỏ như công viên, vườn hoa, thậm chí một khoảng sân trong khu nhà ở cũng phải kiểm soát chặt chẽ về bố trí chức năng hoạt động công cộng, nhất là khi có liên quan đến trẻ em.
Luật Đô thị Pháp quy định trong một bán kính nhất định phải có công viên cây xanh, có khu chơi cho trẻ ở trong, tất nhiên là còn tùy vào mật độ dân số, xung quanh có công viên to hay không… mà con số này sẽ có sự thay đổi. Về quản lý các không gian công cộng, Pháp cũng có quy định về các tiêu chí để đảm bảo an toàn cho trẻ, quy định giờ đóng mở cửa, quy hoạch cảnh quan được nghiên cứu chặt chẽ, tránh trồng các loài cây gây độc cho trẻ, thông tin về các loại cây sẽ được ghi trên bảng thông báo ở cổng. Đi sâu hơn vào thiết kế, khu vui chơi được ngăn cách 2 lớp hàng rào, lớp ngăn cách bên trong và bên ngoài và lớp trong thấp hơn, thoáng hơn, được thiết kế uốn cong an toàn cho trẻ, là lớp bảo vệ không gian vui chơi cho các bé. Sàn sân chơi bằng mút mềm hay đất cát tự nhiên và các trò chơi được thường xuyên bảo trì.

3. Từ hình khối đến sắc màu
Bên cạnh tính an toàn cho trẻ, chúng ta không thể phủ nhận sự quan trọng của hình khối và màu sắc trong việc thiết kế không gian chơi cho đối tượng này.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ (dưới 12 tuổi) rất thích những hình khối lạ, nhất là các khối tròn, có lỗ nhỏ để chui vào trong vì chúng mang lại cảm giác an toàn và được che chở. Nắm được đặc trưng đó, rất nhiều khu vui chơi cho trẻ trên thế giới cũng tạo ra các không gian ống tròn để trẻ chui vào và trở thành những không gian thu hút sự tham gia của trẻ. Ngoài ra, việc tích hợp các hoạt động với hình khối khác nhau cũng tạo ra sự đa dạng không gian, thu hút trẻ và tăng tính tương tác hơn. Không chỉ được ứng dụng trong trò chơi, không gian chơi ngoài trời, việc thiết kế các loại hình khối này cũng được ứng dụng khá phổ biến trong môi trường vui chơi trong nhà và học đường.
Ngoài hình khối thì màu sắc là điều tiếp theo thu hút trẻ. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, mỗi màu sắc đều có những tác động riêng lên tâm lý trẻ. Cụ thể, chúng ta có thể chia thành 3 nhóm màu chính có ảnh hưởng khác nhau lên trẻ, từ đó, bố trí hình khối và không gian đi cùng màu sắc sao cho thu hút trẻ nhất, không chỉ trong không gian vui chơi ngoài trời, trong nhà, mà còn cho rất nhiều loại hình công trình trẻ em khác.
Rất nhiều những khu vui chơi cho trẻ trong nhà và ngoài trời đều sử dụng các yếu tố về màu sắc để tạo sự thu hút. Đối với các công viên ngoài trời, không gian sáng tạo có giới hạn, các kiến trúc sư sẽ ưu tiên các yếu tố tự nhiên và đưa các gam màu hòa hợp với thiên nhiên nhưng vẫn kích thích sư năng động cho bé. Ngược lại, các sân chơi trong nhà, việc bố trí các loại hình trò chơi sáng tạo về màu sắc và hình khối được tự do hơn.
Không chỉ với các sân chơi, các yếu tố về màu sắc cũng có thể ứng dụng trong các môi trường khác như học đường và bệnh viện nhi khi dùng các tông màu trung tính và tươi sáng sẽ giảm sự căng thẳng và tăng cảm giác an toàn gần gũi hơn ở con trẻ, thay vì chỉ sử dụng hoàn toàn một màu trắng như trước đây.

4. “CEASC” trong việc thiết kế sân chơi cho trẻ
Dù được sinh ra ở các đất nước khác nhau, ảnh hưởng bởi các nền văn hóa cũng như cách giáo dục khác nhau nhưng suy cho cùng, tất cả trẻ em đều cần nhu cầu vui chơi, khám phá tìm tòi, được giao lưu, thể hiện cảm xúc như nhau.Biết được chúng yêu thích những loại hình hoạt động gì sẽ là cách để chúng ta tổ chức các hoạt động thú vị và an toàn cho trẻ vừa chơi vừa học.Từ đó, bản thân tôi đúc kết ra tiêu chí CEASC trong việc thiết kế không gian chơi cho trẻ:
Màu sắc và hình dáng (Color and form): là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ. Những loại hình công trình, hoạt động với những bảng màu phù hợp sẽ mang đến cho trẻ những cảm nhận khác nhau.
Yếu tố tự nhiên (Environmental & Attachment): Yếu tố này rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Một sân chơi bằng cát hay nước sẽ làm trẻ thích thú khám phá hơn bằng mút hay bê tông. Một khu vui chơi có nhiều động vật nhỏ bé, đáng yêu cũng sẽ làm trẻ muốn tới gần. Do đó, việc lồng ghép các khu nông nghiệp và chăn nuôi cũng sẽ giúp cho trẻ phát triển tình yêu thương động vật và kiến thức về chúng.
An toàn (Secure): Những không gian cho trẻ nên có quy mô nhỏ vì tạo cảm giác an toàn và dễ dàng tiếp cận với phụ huynh. Những không gian đó cũng cần được rào lại để trẻ được an toàn trong giới hạn không gian vui chơi.
Truyền thông (Communication): Những nơi có đa dạng đối tượng sử dụng cũng kích thích trẻ nhỏ giao lưu và phát triển kỹ năng xã hội với những người xung quanh.
5. Kết luận
 “J’appelle éducation positive ce qui tend à former l’esprit avant l’âge, et à donner à l’enfant la connaissance des devoirs de l’homme” – “Tôi gọi việc giáo dục tích cực là giúp trẻ trưởng thành tâm hồn trước độ tuổi, và đưa cho trẻ kiến thức cần thiết của nhân loại”, Jean Jacques Rousseau
(**). Thật vậy, ngoài những nghiên cứu về chuỗi hoạt động ý nghĩa để phát triển về trí tuệ, những không gian chơi đủ an toàn để phát triển về thể chất, thì điều quan trọng tiếp theo trẻ cần là một nơi nuôi dưỡng một tâm hồn trưởng thành trước tuổi cho chúng. Trẻ em, trên cả việc vui chơi, giải trí, thì chúng còn cần được lắng nghe, quan sát, chia sẻ, được học hỏi trong một môi trường đa đối tượng, ở một không gian vui chơi có tính tương tác xã hội cao và đa dạng hơn.