Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao
Chiều cao của người Việt hiện đứng thứ 4 Đông Nam Á, thấp hơn so với các nước châu Á và thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu dù phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh có chiều dài tương đương với trẻ em ở các quốc gia khác (khoảng 50 cm). Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 – 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt là 168,1 m và nữ là 156,2 m.
“Con cao hay thấp là do gen di truyền”, không ít các ông bố bà mẹ đã suy nghĩ như vậy và vì thế họ đã “phó mặc” cho gen và không quan tâm đến các biện pháp tăng chiều cao cho con. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, di truyền chỉ ảnh hưởng tới chiều cao của mỗi người khoảng 23%, còn lại là các yếu tố như dinh dưỡng, vận động, môi trường sống. Trong đó, chế độ dinh dưỡng quyết định đến 32% khả năng thay đổi “cục diện thể trạng” của trẻ. Như vậy, nếu trẻ có gen bố mẹ không cao nhưng được đáp ứng đủ các yếu tố kể trên thì vẫn có thể cao vượt trội. Ngược lại, nếu trẻ có gen cao nhưng không được chăm sóc tốt thì chiều cao cũng có thể không như mong đợi.
Có 2 xu hướng dinh dưỡng hiện nay là ở những gia đình khó khăn về kinh tế thì chế độ ăn của trẻ thường thiếu chất, trẻ không được uống sữa và có nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi. Ngược lại, trẻ ở những gia đình có điều kiện, nhất là khu vực thành phố lớn hoặc những địa phương đang phát triển kinh tế, nhịp sống bận rộn, trẻ có xu hướng nạp quá nhu cầu về năng lượng, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, nước ngọt… Điều này dễ gây nên tình trạng thừa cân béo phì nhưng vẫn thiếu các chất dinh dưỡng cho chiều cao do khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất xơ, rau quả… Do đó trẻ cũng không thể phát triển chiều cao tối ưu.
Việc vận động của trẻ cũng bị hạn chế do thiếu sân chơi hay bản thân bố mẹ chưa xem trọng hoạt động thể chất, từ đó hạn chế phát triển chiều cao ở trẻ.
Trong môi trường bùng nổ công nghệ, trẻ có nhiều niềm vui với hoạt động tĩnh tại như sử dụng smartphone cho các hoạt động giải trí… Việc này vừa hạn chế vận động ở trẻ vừa ảnh hưởng giấc ngủ, nhiều trẻ thức rất khuya cũng ảnh hưởng sự phát triển chiều cao.
Giải pháp giúp trẻ tăng chiều cao
Để trẻ có thể phát triển chiều cao tối đa, về mặt dinh dưỡng, trẻ cần được bổ sung bộ ba dưỡng chất cần thiết giúp phát triển hệ xương toàn diện là canxi, vitamin K2 và vitamin D3. Tuy nhiên, dinh dưỡng giúp trẻ tối ưu chiều cao cũng cần phải phù hợp với thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ.
Bên cạnh dinh dưỡng, giấc ngủ và tập luyện những môn thể thao giúp tăng chiều cao đều đóng vai trò quan trọng. Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ cần rèn cho con trẻ thói quen luyện tập đều đặn, đây cũng là tiền đề giúp cơ và xương của trẻ được phát triển tốt.