(VIVADO – 2013) Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trẻ cần dành ít nhất 7 tiếng mỗi tuần cho các hoạt động thể lực, nhưng hiện nay phần lớn trẻ em Việt Nam ở các thành phố lớn chỉ vui chơi, vận động khoảng 3-4 tiếng/tuần. Sự học quá tải lại khiến số trẻ em mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng, chiếm tỉ lệ 10-15%.
Sân chơi – cỏ mọc, nhà văn hóa – cưới xin
Hiện nay, những tụ điểm vui chơi cho trẻ em ở nhiều nơi còn rất thiếu, trang thiết bị thì nghèo nàn, sơ sài không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sức khỏe, trí tuệ, tâm sinh lý của trẻ em. Công viên ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng cũng chẳng mấy khi phát huy hết tác dụng. Công viên Thủ Lệ có diện tích rộng, nhưng lại không “bắt mắt” trẻ nhỏ, hoạt động không phong phú, hàng quán choán hết lối đi.
Tại Công viên Thống Nhất có địa thế đẹp, gần trung tâm thành phố, dễ tổ chức các khu vui chơi giải trí cho trẻ, nhưng lại rất ít các trò chơi mới. Những trò như: nhà gương, đu quay, ném bóng… đã nhàm chán. Trong công viên, đây đó còn xuất hiện những chợ cóc bán tạp nham đủ thứ. Cảnh “tình tự” ở nhiều công viên diễn ra vô tư trước mắt trẻ. Đưa các trẻ nhỏ đến những nơi có khuôn viên rộng nhưng thiếu đồ vui chơi, lại “khuất nẻo” như vậy nhiều bậc phu huynh lo ngại cho con mình khi chơi đùa, giẫm phải kim tiêm của dân chích hút…
Công viên đã vậy, những khu vui chơi công cộng ở những khu dân cư chẳng khá khẩm gì. Rất nhiều khu vui chơi bị bỏ hoang một cách lãng phí. Lâu nay, người qua lại khu Trung Tự không khỏi xót xa vì khu đất hàng nghìn mét vuông để cỏ mọc um tùm, hoang dại. Các hệ thống cầu trượt, ghế đá… đã xuống cấp. Chị Hồng Hoa (người dân ở gần đó) cho biết: “Sân chơi này được đầu tư xây mới, rất đầy đủ cầu trượt, ghế đá… nhưng không ai nhòm ngó bảo dưỡng nên sắt thép đã han gỉ, cỏ cây dại mọc um tùm”… Đó là nguyên nhân mà buộc nhiều bậc phụ huynh phải “giam” con mình ở nhà trong những ngày hè nóng nực.
Tại các khu tập thể, chung cư, có một thực tế là đất qui hoạch làm sân chơi cho trẻ ít dần bởi theo các nhà đầu tư làm sân chơi khó thu được lợi. Chỉ tính riêng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) có 59 khu dân cư nhưng 16 khu dân cư không có sân chơi dành cho trẻ. Các hoạt động của nhà văn hóa chỉ mang tính hình thức chứ chưa có chương trình thiết thực để cuốn hút đông đảo trẻ em đến tham gia. Nhiều nhà văn hóa đã thiên về kinh doanh hơn là hoạt động văn hóa. Những năm gần đây, hoạt động của nhà văn hóa phường, quận không mấy sôi nổi như tính vốn có của nó. Thay vào đó, những buổi tiệc cưới linh đình, show diễn trò chơi dành cho người lớn ngày càng nhiều.
Ở thành phố đã vậy, ở nông thôn còn “thê thảm” hơn. Một không gian thực sự để các em vui đùa, một bể bơi có sự quản lí, có người cứu hộ, một nhà văn hóa cho các em sinh hoạt,… chưa từng được xây dựng ở vùng quê. Do không có không gian sinh hoạt văn hóa, không gian chơi riêng nên hầu hết thời gian rảnh rỗi, các em lại tụ tập chơi những trò như đánh khăng, chơi quay, đi bơi, trèo cây tìm tổ chim, đốt tổ ong… Và những mối nguy hiểm từ các trò chơi này là không thể lường trước. Những hồ nước sâu, những khúc sông, những cành cây cao có thể cướp đi sinh mạng các em bất cứ lúc nào.
Hậu quả khôn lường
Thiếu các sân chơi công cộng, trẻ rất ít vận động. Kết quả của một công trình nghiên cứu năm 2007 về tình trạng sức khoẻ của trẻ em Việt Nam, trong đó chỉ ra tình trạng thiếu vận động là một vấn đề lớn của trẻ. Bệnh thừa cân và béo phì ở trẻ đều bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể chất.
Thiếu sân chơi công cộng, các em xa dần tính cộng đồng, ít giao lưu, tự khép mình trong nhà,quanh quẩn chỉ học và xem ti vi, chơi games. Hoạt động sinh hoạt văn hóa thể thao, vui chơi giải trí truyền thống lành mạnh bị lãng quên là nguy cơ không nhỏ dẫn đến việc phai nhạt dần bản sắc văn hóa dân tộc trong tâm hồn trẻ thơ.
Nhiều em đã tự tìm đến những hoạt động vui chơi giải trí không lành mạnh dẫn đến việc vi phạm pháp luật như trộm cắp, hiếp dâm, bạo hành với trẻ em khác, trong đó có nguyên nhân tiếp xúc tự do với các thông tin, giải trí mà thiếu sự chọn lọc và kiểm soát của người lớn. Đó chính là nguy cơ trẻ bị đầu độc về tinh thần, sẽ phát triển lệch lạc về nhân cách gây hậu quả xấu cho xã hội sau này. Câu hỏi được đặt ra, trách nhiệm của người lớn ở đâu?
Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam và tổ chức “Hành động vì đô thị” đã tổ chức điều tra với hàng trăm trẻ từ 9-12 tuổi ở hai phường Giáp Bát và Hạ Đình, Hà Nội về nhận thức của các em về việc đi bộ ở quanh khu mình sống. Ở cả hai phường nơi thực hiện dự án – Giáp Bát và Hạ Đình, hầu hết trẻ em đều thích đi bộ. Phần lớn các em đã đồng ý rằng giao thông ở các đường phố quanh nơi mình sống rất đông đúc, và các em cảm thấy không an toàn khi đi trên đường. Nhiều em nói rằng có rất nhiều điều nguy hiểm trong khi đi bộ, rất khó đi bộ vì vỉa hè nhỏ, trên vỉa hè lại dành để đỗ xe, bán hàng, để vật liệu xây dựng, đổ rác và không thấy an toàn do nhiều dây diện và bếp than nóng.
(Thùy Dương – Báo Pháp Luật Việt Nam)