Nguyên nhân của việc thiếu điểm vui chơi cộng đồng một phần do các khu dân cư cũ, đặc biệt trong các quận nội đô, mật độ dân số cao, quỹ đất hạn hẹp. Do buông lỏng quản lý, nhiều diện tích đất chung bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, để lấn chiếm bán hàng, gửi xe… Trong khi đó, tại các dự án đô thị mới có điều kiện phát triển diện tích cộng đồng hơn, thì việc đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, cácchủ đầu tư chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội.
Chỉ cần đi dọc những tòa nhà được xây dựng san sát kéo dài từ lô D5 – A, B, C tới D tại Khu đô thị Cầu Giấy, rất khó để tìm thấy một khoảng sân để các bé có thể vui đùa. Tại Khu đô thị Nam Trung Yên, mặc dù có khá nhiều diện tích sân chơi, song lại thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi. Nếu có cũng rất giản đơn với vài cái ghế đá, xích đu… đã cũ. Bởi thế, nhiều chuyên gia cho rằng, trong quy hoạch đô thị, dường như các nhà quản lý đã và đang quên hẳn không gian vui chơi dành cho người dân, không chỉ ở các khu đô thị mà tại các cụm dân cư cũng vậy.
Theo công bố mới đây của nhóm tác giả nghiên cứu “Quản trị đô thị trong bảo tồn và quản lý vườn hoa/sân chơi khu dân cư trong nội thành Hà Nội” do tổ chức Health Bridge (Ca-na-đa) thực hiện, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về vườn hoa và sân chơi, đặc biệt là những sân chơi miễn phí hay những sân chơi chi phí thấp được xây dựng trong khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết, qua khảo sát nhiều sân chơi đã bị xuống cấp, bề mặt sụt lún, các phương tiện vui chơi bị gỉ sét, thiếu thùng rác, đèn hư hỏng, không được quét dọn thường xuyên, trở thành nơi đổ chất thải… Ngay việc sử dụng đất công để xây dựng công trình công cộng cũng khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc cân nhắc giữa các nhu cầu trụ sở, văn phòng của các phường, câu lạc bộ cộng đồng, cơ sở giáo dục, y tế… và sân chơi. Trong số các địa điểm mà nhóm nghiên cứu khảo sát, chỉ có sân chơi ở tổ 38, phường Thượng Đình là được quản lý tốt. Chính vì vậy, khuyến nghị mà Health Bridge đưa ra đó là thành phố nên tạm dừng chủ trương đấu giá đất công và đất xen kẹt cho các mục đích kinh doanh tư nhân và cân nhắc thứ tự ưu tiên sử dụng đất công khi có đủ số liệu kiểm kê. Đồng thời cho rằng, việc kiểm kê quỹ đất công sẽ thành công hơn nữa nếu có sự tham gia của người dân, nhất là những người dân đã sống lâu năm trong địa bàn phường. Để làm được điều này, cần tuyên truyền để người dân được biết về quyền tham gia, quyền giám sát và cần có cơ chế để phát huy sự tham gia đầy đủ của người dân.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc đầu tư xây mới các “sân chơi mi-ni”, cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch cải tạo những không gian vui chơi công cộng hiện có; tổ chức kiểm tra kế hoạch sử dụng đất và giao đất hằng năm, ưu tiên đối với các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng. Với các dự án chậm triển khai, sai mục đích… vi phạm pháp luật đất đai, báo cáo UBND thành phố có biện pháp thu hồi, dành quỹ đất phục vụ nhu cầu hạ tầng xã hội của từng quận, huyện. Cùng với đó, dành một phần quỹ đất tại những khu đất mà các bệnh viện, trường học, công ty, xí nghiệp được di dời ra khỏi nội đô vào mục đích đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, phục vụ cộng đồng.
Báo cáo tổng hợp bổ sung vào Quy hoạch cây xanh, công viên và hồ của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng cho thấy, diện tích công viên vườn hoa trong 10 quận nội thành chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Trong đó, quận có tỷ lệ cây xanh cao nhất là Hai Bà Trưng với 12,83%. Các quận có tỷ lệ này thấp nhất gồm Thanh Xuân, Đống Đa và Long Biên.
NGUYÊN ĐÀO (Báo Nhân Dân) |