Vui cùng… sân chơi cộng đồng

Kinhtedothi – Bốn giờ chiều, tại khu tập thể 12B Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong một khoảng sân nhỏ chưa đầy 50m2, trẻ con chạy nhảy, tiếng nô đùa vang khắp xóm.

Chỉ cách đây 2 năm, nơi đang được gọi là sân chơi cộng đồng này còn chật kín ô tô, người dân phải lựa khéo để đi vào nhà của mình.
Thêm một “điểm đến”
Vừa nhìn các cháu nô đùa, vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Thành – Tổ trưởng dân phố khu dân cư số 31 (Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Vì biết nhu cầu vui chơi của cháu là rất lớn, nên khu chúng tôi cũng cố gắng tận dụng quỹ đất công cộng hạn hẹp để tạo thành sân chơi. Không chỉ có các cháu trong khu này mà các cháu ở nơi khác cũng sang đây chơi rất đông. Có một không gian sinh hoạt tập thể thế này, các cháu cũng trở nên thân thiết với nhau hơn”. Theo chia sẻ của ông, trên cơ sở UBND phường Hàng Mã tạo điều kiện, 70 hộ dân tại đây đã đóng góp, tổng chi phí của sân chơi công cộng của khu tập thể tuy không quá nhiều (khoảng 20 triệu đồng) nhưng ý nghĩa mang lại thì thật lớnvui-cung-san-choiKhu vui chơi trẻ em ở Trung tâm văn hóa – thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Hồ Thủy Tiên

Đi tìm thêm những sân chơi cộng đồng như vậy, chúng tôi đến quận Cầu Giấy, địa phương vẫn được nhắc đến như một điển hình trong phong trào xã hội hóa xây dựng sân chơi. Khu vui chơi trẻ em tại Trung tâm văn hóa thể thao phường Nghĩa Tân khá đẹp mắt bởi thảm cỏ nhân tạo, các nhóm thiết bị vui chơi bắt mắt dành cho trẻ em và cả người lớn. 3 giờ chiều, nhưng không khí tại đây đã nhộn nhịp, sôi động. Trẻ con chạy nhảy, vui đùa trên những thảm cỏ xanh, rất đông người cao tuổi vừa trò chuyện rôm rả vừa tập luyện trên những máy tập thể dục được sơn màu đỏ xanh bóng loáng. Bước vào đây, chúng tôi không chỉ thấy sự năng động, vui vẻ mà còn cảm nhận được sự hài lòng, thoải mái từ trong chính ánh mắt và nụ cười của họ. Nói chuyện với một vài phụ huynh đang cho con ra đây chơi, hầu như ai hồ hởi, bởi từ hồi sân chơi ra đời, với nhiều trò chơi hấp dẫn đã làm thay đổi cách sinh hoạt của người dân khu vực này. “Ngày nào chị cũng phải cho con ra đây chơi ít nhất 1 tiếng đồng hồ vào buổi chiều. Bé được tiếp xúc với không gian bên ngoài, phản xạ cũng nhanh nhạy hơn. Được ra đây là bé nhà chị thích lắm!” – chị Đỗ Thị Hoa (đường Nguyễn Khánh Toàn) chia sẻ.
Không chỉ có nơi đây, trên địa bàn quận Cầu Giấy đã và đang hình thành nhiều sân chơi cộng đồng tại các khu dân cư, nhà văn hóa, thậm chí là những vị trí đất trống. Có thể nói rằng, Hà Nội không có nhiều khu vui chơi thể thao miễn phí cho trẻ em. Bởi thế mới đầu hè nhưng khu vui chơi thể thao – giải trí ngoài trời ở các công viên luôn quá tải, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm. Những sân chơi công cộng như thế này được xem như những điểm đến mới cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo cho biết: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo quận Cầu Giấy, phường đã xã hội hóa các mô hình văn hóa, đầu tư lắp đặt các trang thiết bị, sân chơi, cỏ nhân tạo hiện đại. Theo chủ trương, tất cả các đất kẹt và sân chơi cũ được phường tận dụng và phát huy tối đa công năng của nó, tạo thành không gian xanh, sân chơi công cộng. “Trên địa bàn phường hiện nay có 29 sân chơi công cộng. Hầu hết đã được lắp đặt các trang thiết bị. Tuy nhiên, để thêm phong phú các thiết bị chơi và tập, phường sẽ rà soát, tổng hợp thực trạng các sân chơi cũ để quận có cơ sở tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa, đầu tư thêm 19 sân chơi công cộng” – ông Thảo cho biết thêm.
Đâu chỉ cần mỗi “mạnh thường quân”
Sân chơi cộng đồng không chỉ là một chỗ chơi, đây cũng là một không gian xã hội giúp mọi người chia sẻ và tổ chức các hoạt động tập thể, giúp gắn kết với nhau hơn. Có thể thấy, hiệu quả từ những khu vui chơi cộng đồng đem lại rất cao. Mặc dù nhiều nơi chỉ có một vài thiết bị đơn sơ, chưa được tạo lập thành hệ thống nhưng vẫn được người dân phấn khởi đón nhận.
Trên thực tế, người dân ở nhiều nơi đã chủ động vận động các hộ gia đình đóng góp và trực tiếp bắt tay vào tạo sân chơi tập thể, không thụ động đợi chính quyền “rót” ngân sách hay huy động nguồn xã hội hóa của các DN. Là một trong những người đứng ra kêu gọi sự đóng góp của các gia đình tại tòa chung cư Unimax (Quang Trung, Hà Đông), chị Nguyễn Vũ Ngọc chia sẻ: Mới đầu chỉ có một vài gia đình đồng ý đóng góp, nhưng sau khi sân chơi được hình thành cơ bản, thấy được lợi ích của nó, các gia đình còn lại đã tiếp tục “xung quỹ” để có thêm nhiều thiết bị chơi. Sau khi vận động gần 90 hộ dân đóng góp, chúng tôi có khoảng 60 triệu đồng để lắp đặt các thiết bị chơi an toàn và hiện đại nhất cho các cháu”.
Trong không ít khu chung cư, tập thể, các sân chơi như thế cũng đang được hình thành bởi chính các gia đình sống trong khu vực. “Trong suốt một tháng, các gia đình luôn tranh thủ thời gian rảnh để lắp đặt các thiết bị. Mỗi người một chân một tay với tinh thần đóng góp nhiệt tình nhất, cuối cùng trẻ con ở tòa chung cư này cũng có một không gian chơi thoải mái”- chị Ngọc phấn khởi cho biết.
Nhưng sau khi đã tạo được một sân chơi công cộng cũng cần có một mô hình quản lý để giữ gìn an ninh trật tự và để sân chơi hoạt động theo đúng công năng. Mô hình quản lý được áp dụng linh hoạt tại từng nơi cụ thể: có thể do Tổ trưởng tổ dân phố, ban Mặt trận, hay các tổ chức đoàn thể quản lý. Phó Chủ tịch phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo cho biết: “Phường thành lập Ban quản lý sân chơi, chủ yếu giao cho các Tổ dân phố, Bí thư chi bộ, Ban Mặt trận. Bên cạnh đó, chính người dân, đặc biệt là các bác hưu trí cũng rất tích cực trong việc quản lý, trông coi các sân chơi công cộng này”.
Có thể thấy rằng, những sân chơi cộng đồng hay khu vui chơi trong các khu dân cư đã mang lại những nét đẹp văn hóa. Nhưng câu hỏi vì sao những mô hình ấy chưa thể nhân rộng ra toàn TP vẫn luôn day dứt. Như nhiều ý kiến chia sẻ, để các thiết chế văn hóa này hoạt động có hiệu quả hơn nữa thì phải tiếp tục có sự vào cuộc của cả cộng đồng, và cần những văn bản pháp lý quy định rõ hơn của các ngành chức năng và TP về việc xã hội hóa các thiết chế văn hóa, tương thích với từng diện tích, từng nhu cầu mỗi khu dân cư, vẫn đảm bảo hài hòa quy hoạch thiết yếu về văn hóa và lợi ích của người dân. Bởi nhu cầu vui chơi, tập luyện của người dân nói chung và trẻ em nói riêng là rất lớn; thiếu sân chơi luôn là một vấn đề liên tục được nhắc đến. Thực tế, vẫn còn tình trạng tại không ít khu đô thị, khu tập thể không thể tìm được quỹ đất để tạo dựng các khu vui chơi công cộng, hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế. Thậm chí ở những khu tập thể cũ mặc dù có sân chơi nhưng lại bị bỏ hoang, những chiếc xích đu, cầu trượt bám từng tầng bụi, hoen gỉ, “đắp chiếu” từ lúc nào không hay. Nhiều nơi, rải rác trong các khoảng sân quanh các khu nhà, cũng có thiết bị chơi cho trẻ em được lắp đặt, nhưng không thành một khu vực sinh hoạt chung. Những mô hình xã hội hóa sân chơi cộng đồng như tại quận Cầu Giấy, hay một số địa bàn khác đã rất đáng nhân rộng.

Hồ Thủy Tiên- Báo Kinh tế đô thị