Trẻ em nông thôn đang thiếu sân chơi dịp hè
Mỗi kỳ nghỉ hè, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em nông thôn lại được nhắc đến. Trong khi tại thành phố, trẻ em có rất nhiều lựa chọn với các sân chơi, khóa học năng khiếu phong phú thì ở các huyện, xã vùng nông thôn, việc tìm kiếm một sân chơi an toàn, bổ ích đúng nghĩa lại quá khó khăn. Thiếu sân chơi đang khiến khoảng trời tuổi thơ của trẻ bị thu hẹp và mùa hè với các em vì thế không còn thú vị như trước nữa.
Trẻ em thị xã Từ Sơn nói lên mong ước về sân chơi an toàn, lành mạnh tại Diễn đàn trẻ em năm 2015.
Mùa hè chơi ở đâu?
Chiều hè tháng 6, trong lúc cha mẹ bận rộn thu hoạch lúa, thì em Hà Đức Cường 14 tuổi (thôn Chi Hồ, xã Tân Chi, huyện Tiên Du) cùng nhóm bạn say sưa chơi tại quán Game online gần nhà. Hình ảnh những cô cậu lứa tuổi học trò tai nghe headphone, mắt dán chặt vào màn hình, ngón tay lướt thoăn thoắt trên bàn phím không khó để bắt gặp tại đây. Cường cho biết: “Nghỉ hè, không phải đi học nhưng cũng chẳng có chỗ nào để chơi nên chúng em thường tụ tập thành nhóm ra quán chơi các trò game như: fifa online 3, đột kích, half life… Mỗi lần chơi từ 2 đến 3 tiếng hoặc hơn”.
Chủ quán Game online này cho hay trong dịp hè quán chủ yếu phục vụ đối tượng thanh, thiếu niên, trung bình mỗi ngày có từ 50 đến 60 khách là trẻ em tuổi từ 11 đến 15. Tại thôn cũng có thêm 1 quán game online khác và cũng rất đông khách trong dịp hè.
Được biết, hiện thôn Chi Hồ đang có gần 300 em trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Dịp hè, Chi Đoàn thôn cũng rất tích cực trong việc tổ chức sinh hoạt vào các buổi tối trong tuần nhưng việc thu hút, tập hợp các em rất khó khăn phần do lực lượng mỏng, phần do cơ sở vật chất thiếu thốn. “Quả thực, trẻ em nông thôn đang rất “khát” sân chơi lành mạnh, an toàn. Cả ngày, các em chỉ biết quanh quẩn với những chương trình ti vi hoặc rủ nhau đi lang thang, thả diều, chơi game online, tắm sông hồ… Người lớn cũng ít có thời gian quan tâm quản lý con em vì còn bận rộn với công việc mưu sinh hàng ngày”, Bí thư Chi Đoàn thôn Nguyễn Huy Tuyển giãi bày.
Thực trạng tại thôn Chi Hồ cũng là thực trạng chung của đa số vùng quê nông thôn từ nhiều năm nay. Câu hỏi “Mùa hè chơi ở đâu?” vẫn luôn là trăn trở không chỉ của trẻ em mà cả của người lớn – những người có trách nhiệm và luôn lo lắng cho tương lai các em.
Mong ước về những sân chơi
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Nhân Chinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn thừa nhận thiếu sân chơi cho trẻ em nông thôn là vấn đề không mới nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp nào thực sự hữu hiệu để giải quyết. Mỗi dịp hè, tại thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Đoàn đều xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ em như: các lớp học năng khiếu nghệ thuật, thể thao tại Cung thiếu nhi tỉnh; thi ngộ nghĩnh trẻ thơ, thi erobic giữa các trường tiểu học trong thành phố; đặc biệt là chương trình học kỳ quân đội bước sang năm thứ 6 thu hút rất đông thiếu nhi tham gia… Tuy nhiên để đưa những nội dung này về các địa phương nông thôn là vô cùng khó khăn bởi không có hệ thống cơ sở vật chất phù hợp. Tỉnh Đoàn đề xuất vấn đề này và được UBND tỉnh phê duyệt, ra văn bản yêu cầu các huyện, thị xã đưa việc xây dựng cung thiếu nhi vào quy hoạch nhưng chưa thể biết chính xác đến thời điểm nào sẽ hoàn thành bởi còn phải chờ đợi đối chiếu với quy hoạch của Sở Xây dựng và chờ ngân sách.
Tại một số địa phương, chính quyền xây dựng sân chơi bằng hình thức xã hội hóa nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn. Mùa hè năm 2014, thanh thiếu niên xã Đại Đồng (huyện Tiên Du) đón nhận niềm vui khi xã có 2 sân cỏ nhân tạo chính thức đi vào hoạt động. Sân được xây dựng theo hình thức xã hội hóa (chính quyền tạo điều kiện cho thuê đất, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng). Với gần 1.000 thanh, thiếu niên, sự ra đời của các sân cỏ nhân tạo giải tỏa phần nào cơn khát sân chơi lành mạnh, an toàn tại địa phương.
Doanh nghiệp tư nhân này chia sẻ dự định sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng tiếp một khu vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên đến mùa hè năm nay, mặc dù chính quyền xã vẫn khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa nhưng doanh nghiệp không còn mặn mà với kế hoạch đó nữa. Ước mơ về một khu vui chơi cho trẻ em trong xã vì thế không biết đến bao giờ mới có thể trở thành hiện thực…
Nỗ lực đổi mới hoạt động hè
Trong lúc chờ đợi các Cung thiếu nhi cấp huyện, thị xã được xây dựng, mùa hè năm nay ghi nhận nhiều nỗ lực của Tỉnh Đoàn trong việc đổi mới hoạt động sinh hoạt hè cho thiếu nhi. Ngay từ đầu hè, Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ Đoàn tại cơ sở về tổ chức sinh hoạt hè với sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Học viện Thanh thiếu niên. Theo đó, chương trình sinh hoạt hè năm nay nhấn mạnh vào các trò chơi vận động, các bài dân vũ, erobic với độ dài vừa phải, động tác đơn giản, thiết thực… Sở Giáo dục đào tạo cũng được yêu cầu phối hợp để quản lý chặt chẽ việc sinh hoạt hè, đưa hoạt động này trở thành một trong những tiêu chí để xét duyệt đạo đức cho học sinh trong năm học mới. Lần đầu tiên tất cả các trường Tiểu học, THCS cũng sẽ được mở vào dịp hè để tận dụng trở thành không gian vui chơi cho các em…
Theo ông Nguyễn Nhân Chinh, đây chỉ được coi là những biện pháp trước mắt, về lâu dài vẫn cần một sự đầu tư bài bản, một tư duy đúng đắn trong việc xây dựng, tổ chức các sân chơi. Hiện nay 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều hoàn thành việc quy hoạch cung thiếu nhi. Điều cần làm bây giờ là khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng để các em có một ngôi nhà chung học tập, vui chơi, phát triển lành mạnh. Các địa phương cũng cần chủ động trong việc tổ chức sân chơi cho các em như: các cuộc thi, hội trại… qua đó giúp các em có một mùa hè bổ ích, lý thú đúng nghĩa.
Xem ra câu chuyện về thiếu sân chơi cho trẻ em nông thôn sẽ còn phải nhắc đến nhiều lần nữa nếu không có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Xin được kết lại bài viết này bằng mong ước của các em thiếu nhi thị xã Từ Sơn tại diễn đàn trẻ em năm 2015: “Chúng em mong ước có một nơi để thỏa sức vui chơi, không còn phải đá bóng dưới lòng đường, tắm sông hay quanh quẩn ở nhà với ti vi, các trò game vô bổ… Chúng em muốn có một sân chơi thực sự của riêng mình để cùng nhau học tập, phấn đấu và vẽ lên những ước mơ”.
Thương Huyền(nguon:bac ninh online)