(HNM) – Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi ở các phường, xã. Nhìn vào con số, ai cũng bảo như thế cũng không thiếu lắm chỗ chơi cho hơn triệu trẻ con Hà Nội rồi, thế nhưng thực tế lại khác…
So với nhiều thành phố và thị xã trên cả nước, Hà Nội có nhiều điểm vui chơi công cộng hơn, Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Vườn hoa Lênin… Nhưng với hơn 7 triệu dân thì với từng ấy công viên, vườn hoa là còn thiếu, ấy là chưa kể quy mô của các khu vui chơi công cộng này còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thời bao cấp, hầu hết phường khu vực nội thành đều có sân chơi cho trẻ em, đủ để cả trăm trẻ tập thể dục buổi sáng và đá bóng buổi chiều. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi, đất đai có giá và chính quyền các phường ưu tiên phát triển kinh tế nên các khu vui chơi công cộng bị chuyển đổi mục đích và nó biến thành nhà ở, cửa hàng hay đơn vị hành chính nào đó. Khi bùng lên phong trào xây khu đô thị mới, trong quy hoạch bắt buộc phải có sân chơi công cộng nhưng rồi khi xây dựng, do quản lý yếu kém (?) nó bị cắt xén, thu nhỏ lại, thậm chí có dự án thay thế sân chơi bằng dãy nhà để tăng lợi.
Song ngay cả những sân chơi công cộng đang tồn tại cũng có vấn đề. Bao nhiêu năm nay, Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo quanh đi quanh lại cũng chỉ có vài trò chơi đơn điệu, hệ thống xe lửa chạy vòng Công viên Thống Nhất hoen gỉ và cũ kỹ. Và cách đây 8 năm, công viên này suýt bị cắt một phần cho dự án vui chơi bán vé, may mà công luận lên tiếng. Còn Công viên Thủ Lệ bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có từng ấy con thú và lời hứa xây công viên thú to hơn ở Ba Vì vẫn chỉ là lời hứa. Cách đây 5 năm, chính quyền quận Đống Đa còn định thu hồi sân chơi Con Voi ở khu Trung Tự để xây chợ.
Với 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã thì nhiều sân chơi bị biến thành nơi gửi xe máy, ô tô, bán hàng. Cầu trượt, đu quay bị ô tô, xe máy cùm kẹp. Tới 40% sân chơi có thiết bị nhưng đã cũ kỹ, han gỉ vì lâu không được bảo dưỡng, sửa chữa. Và nhiều sân chơi ở các phường, xã thực chất chỉ là khoảng sân bê tông mà không có bất cứ thiết bị gì.
Khi không có sân chơi, trẻ em vốn hiếu động sẽ tự tìm chỗ chơi và thế là bọn trẻ phải đá bóng trên các con phố cụt, thậm chí vòng xuyến ở các khu đô thị đang xây. Nhóm khác sẽ tìm quán chơi game, lang thang phố… Và tình trạng bạo lực học đường, trầm cảm hay vô cảm gia tăng chắc cũng có một phần nguyên nhân từ thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ.
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011- 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường của cả nước có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% số huyện và 100% số tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; sớm hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em… Tuy nhiên, vấn đề chính là tại các điểm vui chơi phải có nhiều trò chơi cùng các hoạt động cụ thể hấp dẫn cho trẻ em, còn nếu không thì nhiều điểm vui chơi nhưng vẫn là thiếu.