Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, phong trào tập luyện bóng rổ trong học đường là nguồn cung cấp vận động viên mang tính quyết định đến thi đấu bóng rổ đỉnh cao. Nhiều câu lạc bộ bóng rổ chuyên nghiệp được thành lập ở nước ta, nhất là tại những thành phố thường xuyên tổ chức giao lưu và có các giải thi đấu cấp trường học, từ đó chọn lựa được các em có khả năng, niềm đam mê với bóng rổ để bồi dưỡng, đào tạo theo hướng thi đấu chuyên nghiệp. Thực tế xây dựng phong trào những năm qua cho thấy, đây là môn thể thao phù hợp điều kiện ở trường học và nhiều địa phương hiện nay của Việt Nam. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần một khoảng không gian phù hợp, có người hướng dẫn và lắp đặt một bộ bảng rổ đúng quy chuẩn là có thể thu hút học sinh tập luyện. Thậm chí, có những trường còn tận dụng gắn rổ bóng lên các bức tường, thân cây trong trường để đáp ứng nhu cầu chơi và tập luyện của học sinh sau giờ học. Nhiều cha mẹ học sinh cũng ủng hộ cho con tập luyện môn bóng rổ bởi nó giúp các em có được sân chơi, môn chơi lành mạnh, tăng tính vận động, tránh việc các em dành quá nhiều thời gian cho máy tính, trò chơi điện tử, tạo sức ỳ và tính thụ động cho giới trẻ.
Sự ủng hộ của gia đình và nhà trường là điều kiện thuận lợi cho môn bóng rổ phát triển, song cũng có những khó khăn nhất định. Nhiều trường học và địa phương chưa thật sự quan tâm đầu tư, phát triển bộ môn thể thao này hoặc quá thiên về một số môn võ thuật hay bóng đá. Việc tập luyện bóng rổ theo kiểu phong trào có khi trồi sụt theo xu hướng đám đông tham gia và mang tính hình thức kiểu bắt chước những thần tượng của giới trẻ qua phim ảnh, báo chí. Tình trạng thiếu sân tập thể thao cho học sinh là khá phổ biến, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tập luyện còn thiếu và xuống cấp, phải tập luyện nhờ ở các sân bóng hay cơ sở thi đấu của các bộ môn thể thao khác. Một số nơi thành lập được các câu lạc bộ hay đội bóng, nhưng việc giao lưu thi đấu, tập huấn ít được quan tâm dẫn đến việc các vận động viên chưa có nhiều cơ hội cọ xát, nuôi dưỡng niềm đam mê. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên môn bóng rổ còn quá ít và hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giảng dạy, tập luyện, phần lớn là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, còn có phần nguyên nhân từ nhận thức cho rằng bóng rổ là môn thể thao chỉ phù hợp các khu vực đô thị, chưa mở rộng được ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, bóng rổ đã và đang “phủ sóng” ở các trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, tuy nhiên ngay cả ở các trường học khu vực ngoại thành ở các trung tâm này cũng chưa được bao nhiêu.
Để môn bóng rổ thâm nhập được vào môi trường học đường, ngành thể dục – thể thao đã phối hợp ngành giáo dục cùng sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và một số tổ chức quốc tế đã và đang triển khai đề án “Phát triển bóng rổ học đường đến năm 2030” với nhiều giải pháp và mục tiêu cụ thể, hướng tới tăng cường phát triển bộ môn bóng rổ thông qua việc huấn luyện các giáo viên thể chất để họ có thể truyền đạt và đưa bộ môn này vào chương trình học ngoại khóa hoặc chính khóa trong trường; thay đổi cách giảng dạy và phổ cập bộ môn bóng rổ trong trường học để tăng sức hấp dẫn hơn nữa. Theo các chuyên gia thể thao, trước mắt cần tập trung xây dựng giáo trình huấn luyện bóng rổ hợp chuẩn quốc tế, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên bóng rổ và mời gọi đầu tư, tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các giải bóng rổ học đường, bóng rổ trẻ… Với sự chung tay giúp đỡ và trách nhiệm của các ngành, các cấp, hy vọng môn bóng rổ sẽ phát triển, mở rộng cả về chất và lượng để thật sự trở thành môn thể thao thu hút đông giới trẻ tham gia.
TUẤN HẢI (Báo Nhân Dân)