Hà Tĩnh: Cần đẩy mạnh xây dựng sân chơi cho trẻ em

Tiến trình đô thị hóa và cơ chế thị trường diễn ra song song đã tạo ra bước đột phá trong đời sống đô thị, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội không theo kịp đã tạo ra sức ép lên những nhà quản lý về tổ chức môi trường sống cho cư dân đô thị. Chính quyền thành phố Hà Tĩnh, trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, đã có nhiều quyết sách cải thiện chất lượng sống của người dân. Trong đó, nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cho trẻ em trên toàn địa bàn thành phố là một vấn đề luôn nhức nhối.

Sân chơi cho trẻ em phát triển manh mún chưa đáp ứng nhu cầu

Từ nhiều năm nay, sân chơi cho trẻ em đã luôn trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh trên địa bàn thành phố. Sau những giờ học miệt mài trên ghế nhà trường, có được một sân chơi rộng rãi, thoáng mát để trẻ giải tỏa những áp lực, những căng thẳng là điều cần thiết, nhất là dịp hè, nhu cầu đó lại tăng lên.153850baoxaydung_image001Nhu cầu vui chơi của trẻ em đặc biệt tăng cao vào các dịp hè.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, các công trình văn hóa vui chơi cho trẻ em trên địa bàn thành phố hầu như không có. Các điểm vui chơi chủ yếu là của tư nhân đầu tư, phát triển manh mún, tự phát và số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chất lượng chưa đảm bảo, thiếu hấp dẫn. Với số lượng hơn 13.000 trẻ em trên địa bàn thành phố, sân chơi cho trẻ hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, đó là chưa kể những dịp nghỉ lễ, khi trẻ em ở các vùng phụ cận lên thành phố vui chơi càng khiến các điểm vui chơi tự phát này quá tải, lộn xộn.

Hiện tại, toàn thành phố có một vài khu vui chơi được đầu tư với quy mô nhỏ ở các siêu thị. Số còn lại chỉ hoạt động vào buổi tối là điểm vui chơi tự phát do tư nhân mở tại khu vực tượng đài Trần Phú, Trung tâm Văn hóa điện ảnh…Trẻ em thành phố trông chờ vào các hoạt động của Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh. Tuy nhiên, được xây dựng từ năm 1993, qua hơn 20 năm hoạt động cơ sở vật chất của trung tâm đã xuống cấp nên không đáp ứng đủ nhu cầu học tập, vui chơi cho trẻ, các phòng học nhỏ hẹp, trang thiết bị cũ kỹ, thiếu thốn trong lúc nguồn kinh phí dành cho việc tu bổ, sửa chữa ít. Chính vì thế, thời gian qua dù đã có nhiều đổi mới, đa dạng hóa nội dung hoạt động nhưng mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập và vui chơi cho khoảng 700 em, kể cả 200 học sinh tham gia học kì quân đội.

Để con mình có không gian thư giãn, vui chơi, các bậc phụ huynh đành bằng lòng với những điểm vui chơi tự phát trên địa bàn. Thực tế, những điểm vui chơi do tư nhân đầu tư, bán vé ở tượng đài Trần Phú hay Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh, ở các siêu thị hết sức đơn điệu, qua nhiều năm vẫn không có thêm trò chơi mới, đó là chưa nói đến những băn khoăn về chất lượng cũng như độ an toàn khi cho con tham gia những trò chơi này.

Thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ phát triển toàn diện diễn ra ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Địa điểm vui chơi cho trẻ đã ít, số lượng lại không tăng, cơ sở hạ tầng ngày một xuống cấp trong khi nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ ngày một lớn, dưới áp lực của học hành thi cử căng thẳng.

Điều có thể thấy, khi không có chỗ vui chơi hoạt động hàng ngày, trẻ không chỉ kém về mặt thể chất, sức khỏe mà cả tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Khi phải ở trong nhà nhiều, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, trẻ dễ rơi vào nghiện game, sống ảo, thiếu kĩ năng tiếp xúc, giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và lao động sau này.

Cần đầu tư khu vui chơi cho trẻ mang tầm chiến lược

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cùng với lối sống công nghiệp đã làm cho các không gian công cộng của người dân thành phố trong đó có sân chơi cho trẻ em dần bị biến mất, thiếu sân chơi, thiếu các thiết chế khu vui chơi là thực tế đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh trong những năm trở lại đây. Vì thế, để có một sân chơi nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cho trẻ rất cần sự vào cuộc của ban, ngành chức năng và địa phương trong việc huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng các công trình vui chơi tại cộng đồng dân cư cũng như phát huy hơn nữa vai trò xã hội hóa trong đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí trên toàn tỉnh.

Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, ông Hà Quang Trung – Viên trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh cho biết: “Hiện quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em vẫn chưa được xây dựng mà chủ yếu lồng ghép trong quy hoạch các thiết chế văn hóa, cơ sở văn hóa, vui chơi dành chung cho cộng đồng”.

153850baoxaydung_image003

153850baoxaydung_image005

153850baoxaydung_image007

153850baoxaydung_image001

Các em thiếu nhi thỏa thích vui chơi tại khu du lịch sinh thái Đồng Nội, do Cty Mitraco đầu tư quản lý.

Ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: “Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Hà Tĩnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư là một trong 13 dự án trung tâm hoạt động thanh thiếu niên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý, được dự kiến xây dựng tại khu đô thị mới và sẽ khởi công vào năm 2017. Đây là tin vui chung của tầng lớp thanh thiếu nhi, các bậc phụ huynh và những người luôn trăn trở với thực trạng này”.

Việc dành một không gian vui chơi cho trẻ em cùng với những trò chơi dân gian chính là sự bảo tồn một nét văn hóa dân gian truyền thống. Sẽ là không đầy đủ khi chúng ta chỉ chăm lo cho trẻ việc học hành, ăn mặc mà không quan tâm đúng mức tới những trò chơi của trẻ. Chính quá trình đô thị hoá mạnh mẽ cùng lối sống công nghiệp đã làm cho các không gian công cộng của người dân đô thị trong đó có sân chơi của trẻ em dần bị biến mất, kéo theo sự biến mất của những trò chơi truyền thống.

Trước khi Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II, cần nhận thức đầy đủ sự cấp thiết của vấn đề này, các chủ trương, chính sách thực tế về quy hoạch thiết kế và xây dựng không gian vui chơi cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Tổ chức khu vui chơi cho trẻ em phải được quan tâm đúng mức từ việc điều tra khảo sát, đánh giá toàn diện đến việc phân tích các yếu tố liên quan. Từ đó đề xuất các giải pháp kiến trúc, quy hoạch, quản lý và sử dụng mang tính khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em toàn tỉnh nói chung và khu vực TP. Hà Tĩnh nói riêng.

Uyên Uyên – Phương Dung( Báo Xây dựng)