Gian nan thuyết phục cộng đồng làm sân chơi trong phố

Những tưởng việc làm đồ chơi cho lũ trẻ từ các vật liệu bỏ đi như lốp, gỗ thùng, hộp giấy các – tông, lõi cuộn thép… đang là một hướng đi mới, khiến những sân chơi nhỏ trong phố dễ có cơ hội hình thành nên những chiếc xích đu, bập bênh… tạo một khoảng không gian tuổi thơ cho trẻ. Nhưng điều gian nan lại thường mắc ở việc chung tay của cộng đồng khi nhóm Think Playgrounds phải đi thuyết phục từng hộ gia đình và tổ trưởng dân phố để “xin phép” đặt món đồ chơi do nhóm tự làm để lũ trẻ khu vực ấy còn có chỗ mà vận động tay chân. Nghe tưởng chừng vô lý, nhưng giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” không phải lúc nào người lớn cũng vì con trẻ, thậm chí họ còn muốn “tranh đất” với chúng.

Trẻ cần vui chơi nhưng sân chơi “đúng nghĩa” lại quá ít

Nếu như giải trí của người lớn thường là đi café, tụ tập bạn bè, xem phim, đi ăn, du lịch thì với lũ trẻ chỉ cần được ngồi trên xích đu, đứng trên mặt nhún, bập bênh, leo trèo…đã là niềm vui. Thế nhưng những thứ tưởng chừng như đơn giản lại trở nên “xa xỉ” với trẻ con thành phố. Hàng ngày các em được nhìn ngắm những tòa nhà hiện đại, cao chọc trời, những ánh đèn lấp lánh rọi chiếu khắp phố phường, cảnh nhộn nhịp nơi đô thị phồn hoa; được sống đầy đủ về vật chất nhưng lại không có không gian vui chơi cho riêng mình. Trẻ sống ở phố thì chỉ có thể lấy vỉa hè làm chỗ vui chơi nhưng khoảng không ít ỏi này cũng  đã bị người lớn chiếm dụng để làm kinh doanh, chỗ để xe. Trẻ sống trong ngõ hay tại nhà chung cư thì lấy hành lang, ngõ xóm làm nơi chơi đùa, chạy nhảy, nhưng giờ xe cộ nhiều quá, người cũng đông hơn trước nên có muốn chạy nhảy cũng khó. Đấy là còn chưa tính đến việc thời gian chơi của trẻ em bây giờ rất ít ỏi bởi các em đều luôn phải vùi đầu vào sách vở, các lớp học thêm và không phải gia đình nào cũng có thể cho con em mình vào những nơi vui chơi “đắt tiền”. 

Một trong những nguyên nhân khiến sân chơi cho trẻ trở nên “khan hiếm” là do việc đô thị hoá, giờ đây hiếm nhìn thấy khu đất trống nào mà không bị quy hoạch quây lại cho việc xây nhà chung cư, trung tâm thương mại…. Ngay cả những nhà văn hóa ở nhiều khu dân cư cũng đều bị “trưng dụng” thành nơi chơi cầu lông, bóng chuyền… cho người lớn còn trẻ em thì chỉ có thể đi xe đạp, đứng nhìn hoặc có một góc nho nhỏ để chơi. Chính vì còn là trẻ nhỏ, không có tiếng nói nên nhu cầu được vui chơi cho các em thường bị “lãng quên”. Trong khi đó việc vui chơi ngoài trời, nhất là tiếp xúc với đất cát rất cần thiết và quan trọng đối với trẻ. Khi chạy nhảy, chơi đùa ngoài trời, trẻ không những được vận động, khám phá mà còn mở rộng ngôn từ, phát triển khả năng giao tiếp. Việc leo trèo, chơi xích đu, bập bênh, nghịch đất, cát…sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng đồng thời tự động “nạp” những kiến thức về thiên nhiên cũng như kỹ năng sống cơ bản cho chính mình. Đó là chưa kể, việc vận động ngoài trời giúp trẻ bớt tật về mắt như cận thị, và giảm bớt nguy cơ của bệnh béo phì do lười vận động.

Làm sân chơi miễn phí cho trẻ còn nhiều khó khăn 

Trẻ em thích thú với đồ chơi từ phế liệu 

Nhận thức được tầm quan trọng của sân chơi và thấu hiểu được “nỗi khổ” của các  em, nhóm Think Playgrounds đã tìm tòi tạo đồ chơi từ những vật liệu phế thải, tặng các sản phẩm trò chơi miễn phí cho trẻ. Tuy đồ chơi thì không thiếu nhưng lại khó kiếm một khu đất trống phục vụ vui chơi cho trẻ. Hiện nay, dưới sự cho phép, hỗ trợ của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, Think Playgrounds đã tiến hành xây dựng được 3 sân chơi “đúng nghĩa” cho trẻ ở bãi giữa sông Hồng, Tuệ  Viên – Bát Tràng và đang hoàn thiện một sân chơi nhỏ ở khu Phương Mai, đồng thời tổ chức một buổi “Playday” thành công cho trẻ vào ngày 2/11 được nhiều phụ huynh hưởng ứng bởi con em họ đã có chỗ để vui chơi. Tuy nhiên, dù  mục đích tốt đẹp, muốn mở ra càng nhiều sân chơi cho trẻ nhưng không phải khu vực nào cũng ủng hộ, ở đâu cũng có thể thực hiện. 

Một em nhỏ thích thú với sự xuất hiện của chiếc xích đu nhưng chỉ khoảng 2 tiếng sau thì đồ chơi này đã bị tháo dỡ

Bên cạnh việc trao đổi, liên hệ với cộng đồng dân cư để xây nên những sân chơi cho trẻ thì nhóm cũng thực hiện một phép thử nho nhỏ ở những không gian công cộng trong thành phố để xem những người trong khu vực đó phản ứng thế nào trước những món đồ chơi tự tạo. Think Playgrounds đã tiến hành treo “du kích” 6 xích đu tại một số địa điểm trong thành phố như vườn hoa Lý Thái Tổ, Quan Nhân, Trung Tự, vườn hoa Lý Tự Trọng….Với việc đặt xích đu này, nhóm quan niệm chỉ cần xích đu này còn tồn tại dưới một tán cây lớn thì nơi đó có thể trở thành một sân chơi tiềm năng. Bởi đó là một tín hiệu về sự thay đổi trong cách suy nghĩ về sân chơi của người lớn. Tính đến thời điểm này thì chỉ còn 3 chiếc tồn tại. Khi treo lên lũ trẻ nhìn thấy đã rất thích thú nhưng niềm vui của chúng cũng chỉ tồn tại ngắn ngủi khi chỉ ngày hôm sau (có nơi là 2 tiếng sau) thứ đồ đem cho chúng cảm giác thú vị đã không còn. Có  thể do động chạm đến lợi ích hay cho rằng đó là “vật thể lạ”, không nằm trong danh mục được phép có hoặc vì nguy hiểm nên những cái xích đu nhỏ bé đã bị gỡ xuống.

Bé Nam vui vẻ chơi mặt nhún dù lúc đầu em hơi sợ sệt vì độ bấp bênh

Ngoài các xích đu, nhóm cũng thử đặt mặt nhún tại một ngõ lớn ở Hoàng Hoa Thám. Sau khi đặt đồ chơi này, cộng đồng dân cư ở đây đã bùng nổ tranh luận. Một số cụ ông trong tổ dân phố cho rằng đây là thứ nguy hiểm và cần bị dẹp bỏ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người ủng hộ trong đó có ông của bé Nam. Dù lúc đầu Nam còn khá rụt rè không dám đứng trên mặt nhún nhưng chỉ sau vài chỉ dẫn em đã đối mặt với gian nan, tự tin hơn và dần biết cách chơi. Việc cho rằng đồ chơi mặt nhún chông chênh, có thể khiến trẻ bị ngã, trầy xước chân tay, nhất là đặt trên nền xi măng lại càng nguy hiểm của một số cụ ông cũng không phải là bất hợp lý. Thế nhưng, tuổi thơ của trẻ em là cần phải khám phá, trải nghiệm với thử thách, tập thích ứng với môi trường xung quanh bởi đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho các em bước vào tuổi trưởng thành. Nếu như lúc nào cũng sợ trẻ làm việc này, việc kia, cấm đoán các em vì cho rằng nó nguy hiểm mà không hướng dẫn các em vượt qua nỗi sợ hãi, tự đứng lên khi mình vấp ngã thì không chỉ làm mất đi niềm vui mà còn khiến trẻ  trở thành người thụ động, thiếu nghị lực trong cuộc sống. Cuối cùng, toàn bộ mặt nhún đã bị 2 vợ chồng “cưỡng chế” mà nguyên nhân chính chưa phải do đó là mối nguy hiểm cho trẻ em mà do đây là khu vực họ đang dùng làm chỗ để xe ôtô của riêng mình, ông bé Nam chia sẻ.

Dù chơi trên sân xi măng nguy hiểm nhưng ở trong thành phố để tìm sân có nền đất hay cát dày là một việc bất khả thi bởi hầu như sau khi quy hoạch thì các khu đất trống đều bị đổ nền xi măng. Bên cạnh đó, không thể  chỉ vì sợ trẻ vấp ngã, gặp nguy hiểm mà khiến cho trẻ em mất cơ hội vui chơi. Với mỗi người một quan điểm, để làm một sân chơi vui đùa cho các em nhỏ trong đô thị rộng lớn cũng cần phải có sự bén duyên và ủng hộ của người “xây dựng” và “chủ nhà”.

(Nguồn: songmoi.vn)