Thời điểm hiện tại, đang vào kỳ nghỉ hè của các em học sinh. Nhu cầu nghỉ ngơi, sử dụng các sân chơi của trẻ tăng cao so với thường ngày. Vậy nhưng, có một thực tế đang tồn tại, nhiều sân chơi dành cho trẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị lấn chiếm, biến tướng mục đích sử dụng khá nghiêm trọng.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát, ghi nhận thực tế tại nhiều điểm, sân chơi công cộng dành cho trẻ. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là sân chơi Khu dân cư số 9, nằm trên phố Võng Thị – phường Bưởi (quận Tây Hồ – Hà Nội).
17h ngày 10-6, khi có mặt ở đây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hơn chục chiếc xe ôtô đang án ngữ trong khuôn viên sân chơi. Có một số chiếc xe ôtô được chủ phương tiện căng bạt phủ kín gửi ở đây nhiều ngày. Cả một phần diện tích rộng vốn được phục vụ cho các hoạt động vui chơi của trẻ trong khu dân cư theo đó bị choán gần hết. Trên bức tường bên ngoài cổng sân chơi, có dòng chữ “trông xe trong sân”.
Theo anh B, nhà ở gần sân chơi này: “Tình trạng trông, giữ, để xe ôtô trong sân chơi Khu dân cư số 9 xuất hiện đã lâu, nhưng không thấy ai nhắc nhở, xử lý. Chỉ biết rằng, do không có điểm vui chơi nên con anh cũng như nhiều trẻ cư trú trên địa bàn phải chơi… ở nhà hoặc chọn trục đường chính làm nơi tập đi xe đạp”.
Nhiều sân chơi công cộng đang bị biến tướng mục đích sử dụng.
Có lẽ chính bởi thế, mà khi đứng ở đây quan sát chưa đầy 10 phút, chúng tôi thấy 2-3 trẻ tập đi xe đạp ngay trên trục đường chính – phố Võng Thị, thay vì tập ở trong sân chơi. Thấy chúng tôi hỏi: “Tập đi xe đạp trên trục đường chính, có nhiều ô tô, xe máy đi lại không sợ xảy ra tai nạn sao?”, cháu Đức đang tập xe đạp trên đường cho biết: “Sân chơi chật lắm, không còn chỗ nữa chú ạ!”.
Câu trả lời trên cũng là suy nghĩ của không ít trẻ hiện nay khi mà nhiều điểm vui chơi, sân chơi công cộng dành cho trẻ đang dần bị “biến mất”. Không chỉ trông giữ xe ôtô, tại nhiều điểm sân chơi công cộng của các khu tập thể đang bị các nhà hàng, quán nhậu sử dụng làm nơi bày bán ghế, kinh doanh ăn uống. Ví như, khu tập thể Ngọc Khánh nằm trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Thời gian trở lại đây, sân chơi tập thể này đã trở thành địa điểm kinh doanh của một số nhà hàng, quán nhậu.
17h50 cùng ngày, khoảng sân chơi rộng ngay trước dãy nhà tập thể này đã ken kín bàn ghế phục vụ các thực khách ăn nhậu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không gì khác là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, trong khi đó, chủ các quán nhậu thì không ngừng tận dụng khoảng trống để bày biện bàn ghế, phục vụ nhu cầu thực khách. Và tất nhiên lúc này chỉ có con trẻ là thiệt hơn cả, vì sân chơi không còn nữa.
Dạo qua các khu vực tập trung đông nhà tập thể như: Nghĩa Tân, Thành Công…, chúng tôi ghi nhận, mặc dù hầu hết các khu tập thể đều có sân chơi chung, song thời gian trở lại đây, một số điểm đã bị sử dụng sai mục đích hoặc các thiết bị đồ chơi dành cho trẻ quá cũ, hỏng hóc chưa được thay thế, sửa chữa. Có những điểm chỉ cần diện tích sân chơi còn là y như rằng hàng quán liền “bủa vây”. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến không ít trẻ trong dịp hè này thường xuyên sử dụng lòng đường, vỉa hè – nơi đông phương tiện, người qua lại làm điểm vui chơi cho mình.
Vào dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh thường cố gắng đưa con em mình đi du lịch ở một nơi nào đó hoặc đưa đến những điểm cung cấp dịch vụ vui chơi đã được tư nhân hóa tại các tòa nhà, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, những điểm vui chơi dạng này chỉ đáp ứng nhu cầu phần nào và ở một số thời điểm nhất định cho trẻ, chứ không thể là điểm vui chơi lâu dài phục vụ nhu cầu thường xuyên của trẻ được.
Việc thiếu chỗ để trẻ vui chơi hằng ngày đã và đang khiến sự phát triển về mặt thể chất, tinh thần của các em bị ảnh hưởng do phải ở nhà nhiều, dễ rơi vào nghiện game, mạng Internet; kỹ năng tiếp xúc, giao tiếp theo đó bị ảnh hưởng v.v…
Trên địa bàn thành phố, thời gian qua đã có hàng loạt dự án cải tạo, mở rộng vườn hoa, điểm vui chơi cho trẻ nhỏ cũng như người dân sinh sống trên địa bàn. Điển hình vào năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8826/UBND-XDGT gửi các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã về việc quản lý, đầu tư vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố chấp thuận cho các đơn vị chức năng giải quyết nhu cầu đầu tư, xây dựng thêm nhiều sân chơi, vườn hoa, cũng như yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý công viên theo phân cấp; chủ động kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân. Thế nhưng, nhìn vào những gì đang tồn tại liên quan đến những điểm, sân vui chơi dành cho trẻ đang bị xuống cấp, biến tướng mục đích sử dụng như hiện nay, dư luận không khỏi ái ngại.
Câu chuyện về sự buông lỏng công tác quản lý khiến nhiều điểm vui chơi dành cho trẻ bị “biến mất” đã và đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vấn đề này còn là sự báo động về ý thức, cách ứng xử với những giá trị văn hóa cộng đồng. Sự chăm lo, quan tâm tới nhu cầu vui chơi, giải trí của con trẻ – những mầm xanh của đất nước ở một số nơi dường như còn bị xem nhẹ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần vào cuộc, rà soát, chấn chỉnh sớm những tồn tại như hiện nay.