Thống kê gần đây nhất cho thấy học sinh Việt Nam có số giờ học trong năm nhiều nhất thế giới. Ngay cả giờ học của học sinh tại những nước phát triển cũng đã bao gồm những giờ chơi. Còn chương trình học của ta quá nặng về học. Chưa hết, về đến nhà, trẻ lại tiếp tục cầm cuốn sách, học thêm. Thật ra chơi là nhu cầu cần thiết giúp trẻ phát triển những kỹ năng sống nói chung và những khả năng làm việc nói riêng sau này. Khi chơi, phụ huynh có thể phát hiện những thiên hướng, làm tiền đề để phát triển nghề nghiệp sau này
Chơi giúp trẻ phát triển kỹ năng sống !
Giáo dục truyền thống của ta là bắt con cái học. Hết đến trường, về nhà phải học. Hết học thêm, rồi học phụ đạo. Suốt ngày con cái chỉ biết đến sách vở. Thậm chí hè mà trẻ cũng không được chơi, lại phải học trước chương trình. Tất nhiên không thể đổ lỗi cho bố mẹ, mà đó là do sức ép cạnh tranh học đường. Nào là phải học trường điểm, thi chuyển cấp, thi vào đại học. Thế nhưng những khảo sát gần đây cho thấy một số học sinh có dấu hiệu bất thường do bị sức ép quá lớn trong việc học.
Chơi đùa tưởng chừng vô bổ, thực ra rất tốt cho trẻ. Chơi tạo điều kiện cho trẻ khám phá và mày mò tìm hiểu những cái mới. Việc chơi giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn. Chơi cùng nhóm sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng như giao tiếp, khả năng làm việc theo nhóm. Chưa kể, khi chơi trẻ nếu có năng khiếu sẽ bộc lộ khả năng lãnh đạo, tổ chức, nói chuyện trước công chúng… Đây là yêu cầu không thể thiếu của những người quản lý tầm cỡ sau này.
Chơi còn giúp phát hiện ra thiên hướng của trẻ
Việc định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam đôi khi không được chú ý đúng mực. Định hướng nghề nghiệp không phải bắt đầu từ khi vào đại học. Lúc đó có thể nói là đã trễ. Nó phải được phát hiện và bồi dưỡng ở tuổi rất sớm.
Khi chơi, nếu quan sát, bố mẹ có thể dần dần phát hiện nhiều điều lý thú ở trẻ. Trẻ chơi gì thể hiện một phần quan tâm và năng khiếu của chúng. Nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ngay từ bé đã thích khâu vá, vẽ vời, trang trí. Không ít những nhà phát minh lớn khi còn bé thường mày mò lắp ráp máy móc, vật dụng. Hoặc có những nhà nghiên cứu sinh vật mà còn nhỏ luôn tay với những chú gà con, vịt con. Tương tự nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng hồi còn nhỏ suốt ngày bị la vì lấm lem quần áo với quả bóng và sân bãi.
Ngoài ra, quan sát thói quen đồ vật của trẻ thường cất giữ trong túi áo, túi quần, bố mẹ có thể phát hiện ra sự quan tâm và sở thích của chúng.
Cho trẻ chơi như thế nào ?
Theo các nhà nghiên cứu thì chơi đùa ngoài trời có kiểm soát thì rất tốt cho trẻ. ở ngoài trời, trẻ không bị gò bó bởi 4 bức tường. Trẻ sẽ thích nhảy nhót, chạy nhảy, đuổi bắt, xịt nước, chạy xe đạp, xích đu… Nhiều khu chung cư mới, kiến trúc sư bao giờ cũng dành hẳn một diện tích làm sân chơi cho trẻ trong cộng đồng vì đơn giản đó là nhu cầu của chúng.
Chơi trong nhà cũng rất tốt. Nếu trẻ thích vẽ thì sắm cho trẻ bút vẽ, màu nước và giấy. Thậm chí trẻ muốn vẽ bằng tay cũng được. Đừng sợ bẩn mà làm mất tính sáng tạo của trẻ. Đừng can thiệp sâu vào việc chúng chơi vì trẻ cũng muốn bộc lộ cá tính của mình. Hãy tập cho trẻ tính tự lập, có trách nhiệm bằng cách hướng dẫn trẻ làm những công việc nhà đơn giản như sắp xếp lại vật dụng, dọn dẹp giường, phơi quần áo
Tóm lại hãy để cho trẻ chơi vì đó là nhu cầu chính đáng của chúng. Những người thành công đều có một thời thơ ấu hài hòa giữa chơi và học !
ANHTHU
Nguon:Hanoimoi