Sân chơi dành cho người cao tuổi ở Nhật Bản

TTO – Ai bảo sân chơi chỉ là nơi dành cho trẻ em? Hiện nay ở Nhật Bản, nơi số lượng người cao tuổi tăng nhanh nhất thế giới, chính các vị cao niên cũng tìm đến nơi đây để có những giờ phút khuây khỏa.

Nhật Bản tự hào khi là nước có tuổi thọ cao nhất thế giới và theo các chuyên gia, đó là do người dân Nhật duy trì chế độ ăn uống tốt, có hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và truyền thống cao tuổi nhưng vẫn sống năng động.

Nhật bản già

 

Cải thiện sức khỏe và cơ hội giao tiếp cộng đồng

Các sân chơi với trang thiết bị thích hợp cho người cao tuổi cùng các lớp luyện tập thân thể bằng thể dục đã thu hút giới cao niên mỗi lúc một đông.

Với tỉ lệ sinh ngày càng giảm và 1/5 trên tổng số 123 triệu dân Nhật Bản là người già từ 65 tuổi trở lên, việc chính quyền địa phương chuyển đổi các sân chơi của trẻ em thành nơi luyện tập thể dục cho những người tuổi hưu là hoàn toàn hợp lý.

“Đến lớp tôi hết lừ đừ như khi ở nhà, trái lại hăng hái tập luyện và thấy khỏe hẳn ra”, cụ Soichiro Saito, một học viên lão thành 79 tuổi của lớp luyện tập tại công viên Tokyo, cho biết.

Dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên, các cụ trong nhóm của cụ Saito đu đưa vòng vòng quanh một khung tập leo được thiết kế đặc biệt, đi trên cầu thăng bằng và căng cơ bằng các thanh sào.

Người già ở Nhật thường sống tách biệt, chỉ hai vợ chồng già với nhau hoặc lắm lúc một mình một bóng. Do vậy không chỉ vì các bài thể dục, phần lớn các cụ đến đây vì muốn có cơ hội tiếp cận cộng đồng và giao tiếp bạn bè. Một số khác lại ra sân tập luyện vì muốn duy trì sức khỏe và sự độc lập để tránh xa bệnh viện hay viện dưỡng lão.

Niềm vui không kể tuổi tác

Một sân chơi cho người cao tuổi tốn ít nhất 8 triệu yen (87.220 USA), kể cả chi phí lắp đặt và thù lao cho hướng dẫn viên. Tuy chi phí khá cao nhưng nhờ chính quyền địa phương tài trợ, Hiệp hội Phát triển và luyện tập thể hình đã tổ chức được khoảng 50 lớp thể dục dành cho người cao niên trên toàn lãnh thổ Nhật Bản và nhu cầu này đang trên đà gia tăng.

Ông Masato Saijo, giám đốc của hiệp hội, cho biết: “Hiện nay chỉ số ít trẻ em đến sân chơi trong khi đa số trang thiết bị đã hư hỏng và phải bỏ đi. Do vậy, thay thế những thiết bị cũ kỹ bằng thiết bị luyện tập dành cho người cao tuổi chẳng có gì là không hợp lý cả”.

Hơn 15.000 thiết bị đã được lắp đặt trên toàn nước Nhật trong năm 2007. Số lượng này đã tăng gấp ba lần so với năm 1998. Số trẻ từ 12 tuổi trở xuống đến sân chơi hằng ngày chỉ còn 34% trong năm 2007 so với 50% trong năm 1971. Ngược lại, số người già từ 65 tuổi trở lên đến với sân chơi tăng gấp đôi trong cùng thời gian đó.

Cũng theo giám đốc Saijo, khi người cao tuổi càng lúc càng sống thọ hơn và duy trì được sự năng động, chẳng có độ tuổi nào bị xem là quá già không thể vui chơi cả.

Ông quả quyết: “Bất kỳ ai cũng tập luyện được, ngay cả ở độ tuổi 85, và cũng chẳng cần kinh nghiệm hay chuẩn bị gì trước. Chỉ cần đến đây và bắt tay vào tập”.

THẢO VY TTO (theo Reuters)