Buổi nói chuyện với GS Laura – Đại học Michigan, Mỹ với sinh viên Đại học Xây dựng về chủ đề “Sân chơi dành cho cộng đồng”

Nhận lời mời của Chi hội Kiến trúc sư và Chi hội Quy hoạch Đại học Xây dựng, Bộ môn Kiến trúc Dân dụng và Bộ môn Quy hoạch Vùng/Đô thị thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, chiều ngày 03/04/2017, TS. Laura Reynolds đã có bài giảng cho các sinh viên và giảng viên trẻ trong Khoa với chủ đề “Engineering play: Design, use and accessibility issues in constructing playgrounds” (Tạm dịch: Trò chơi dưới góc độ kỹ thuật: Các vấn đề thiết kế, sử dụng và tiếp cận trong việc xây dựng những sân chơi).

pic_01

TS. Laura Reynolds là giảng viên và nghiên cứu viên tại Đại học Tổng hợp Michigan (Hoa Kỳ), có nhiều năm nghiên cứu về sân chơi cho trẻ em tại một số quốc gia dưới góc độ tâm lý học. Đến tham dự buổi nói chuyện có: PGS. TS Doãn Minh Khôi – Viện Trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị; ThS. Doãn Thế Trung – Trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng; TS. Lê Quỳnh Chi – Phó Trưởng Bộ môn Quy hoạch Vùng/Đô thị và các giảng viên của 02 bộ môn và đông đảo sinh viên trong Khoa. 

Trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm trong mọi xã hội vì các em chính là chủ nhân tương lai của đất nước. Bên cạnh học tập, vui chơi là nhu cầu thiết yếu của trẻ em, vì hoạt động vui chơi không chỉ giúp các em thư giãn sau những giờ học tập tập trung, mà còn rèn luyện thể chất, phát triển trí tuệ và tăng cường nhiều kỹ năng khác như quan sát, giao tiếp, trao đổi thông tin, tìm ý tưởng, phối hợp nhóm, giải quyết vấn đề v.v..Tuy nhiên, thực tế là tại nhiều khu vực, cả trong và ngoài đô thị, trẻ em đang thiếu sân chơi và nếu có thì phần lớn trong số đó chưa được thiết kế phù hợp với các em về thể chất cũng như về tâm lý. Vì vậy, việc nghiên cứu tâm lý, hành vi và thể lực cùng sở thích của trẻ em để tạo ra những sân chơi hấp dẫn và hiệu quả luôn cần thiết. Xuất phát từ quan điểm và thực tế nói trên, TS. Laura Reynolds đã trình bày cũng như chia sẻ một số kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua với các giảng viên và sinh viên.

         

Điều đầu tiên, trò chơi luôn đi kèm với những rủi ro. Tuy nhiên không phải mọi rủi ro đều mang nghĩa tiêu cực. Các trò chơi vận động ít nhiều đều có thể khiến trẻ em bị ngã, bị xây xát nhẹ, nhưng đó chính là lúc để trẻ em tự xử lý vấn đề mà bản thân gặp phải, rút kinh nghiệm và tỏ ra thích ứng với những ảnh hưởng và tác động của môi trường xung quanh, qua đó các em có thể nâng cao tính đề kháng, sức dẻo dai và sự khéo léo. Theo TS. Laura Reynolds, có một số nguy cơ mà trẻ em sẽ phải đối mặt hoặc trải qua trong khi chơi tại các khu vui chơi ngoài trời: độ cao và tốc độ khiến trẻ có thể mất thăng bằng và rơi xuống nền, công cụ, sự mất định hướng và các diện gồ ghề khiến trẻ vấp ngã. Có ba loại hình sân chơi là truyền thống, đương đại và phiêu lưu. Sân chơi truyền thống và sân chơi đương đại tỏ ra không đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cùng các kỹ năng tối quan trọng cho trẻ em vì hai loại hình đó khá đơn giản, thậm chí đơn điệu, có sẵn, ít tính sáng tạo cùng một số hạn chế khác. 
Diễn giả tập trung phân tích và làm rõ những ưu điểm nổi bật của sân chơi mang yếu tố phiêu lưu, hơi có tính mạo hiểm để củng cố quan điểm đó là loại hình sân chơi cần phát triển một cách rộng rãi hiện nay cũng như trong tương lai. Trong không gian như vậy, trẻ em không chỉ vận động, mà còn biết cách tự tổ chức từng trò chơi, phối hợp nhiều trò chơi với nhau theo ý thích cũng như khả năng sáng tạo của mình, qua đó có thể tái cấu trúc không gian, làm không gian luôn mới mẻ, hấp dẫn và sinh động. Ví dụ như nếu cầu trượt thay vì để lộ ra bên ngoài như kiểu thông thường sẽ được thiết kế theo kiểu hình ống. Nếu ống kín, các em có cảm giác như đi trong đường hầm. Trong trường hợp có đục thủng các ô nhỏ lấy sáng và dán những hình cá và sinh vật biển, các em có thể hình dung mình đang trong tàu ngầm lặn xuống sâu để khám phá đáy biển.

        

Bề mặt cùng các vật liệu cần được lựa chọn để đảm bảo tính an toàn. Theo đó các bề mặt không nhất thiết phải trơn nhẵn mà có thể gồ ghề, song vật liệu được khuyến nghị nên là những loại mềm hoặc xốp như cát, sỏi nhỏ, đất ẩm, thảm cỏ, vụn gỗ, … Theo quan sát của diễn giả với vai trò là nghiên cứu viên, ở những sân chơi có bề mặt cứng, trẻ em có xu hướng chơi ở phía vành ngoài, ít di chuyển vào trong do sợ bị ngã đau, nhất là các em gái. Nước là một yếu tố rất nên kết hợp trong không gian vui chơi của trẻ em. Ngoài chức năng tạo cảnh quan, nước còn là yếu tố vật lý kích thích trí tưởng tượng của trẻ em khi được rót từ thùng này sang thùng khác, hay cho chảy tự nhiên theo độ dốc từ các máng cao xuống máng thấp, rồi lại được bơm từ dưới thấp lên cao tạo thành vòng tuần hoàn. Khi biết cách tổ chức, nước còn là môi trường cư trú của một số loài sinh vật, dạy cho trẻ em những bài học sinh động và thiết thực về thiên nhiên và môi trường. Các bề mặt nước này cần nông để trẻ em có thể tiếp xúc và tương tác, không bị sặc nước.

Về khía cạnh xã hội, các sân chơi cần được thiết kế có tính đến sự khác biệt về thể lực của trẻ em theo các lứa tuổi khác nhau, theo sở thích của giới tính, … để có thể thu hút nhiều trẻ em tham gia, và các em thực sự cảm thấy thoải mái, thích thú và hào hứng.

Cuối bài thuyết trình, sinh viên và giảng viên trong Khoa đã giao lưu với diễn giả, cùng trao đổi và chia sẻ một số vấn đề có liên quan đến sân chơi dưới nhiều khía cạnh như kỹ thuật, tâm lý, xã hội, kiến trúc, … và có sự so sánh giữa Việt Nam với một số quốc gia mà diễn giả đã từng đến nghiên cứu trước đó. Trước khi chụp ảnh lưu niệm, diễn giả được Trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng tặng một cuốn sách về cuộc thi Thiết kế Sân chơi cho Trẻ em do Bộ môn tổ chức và phát động năm 2016 – là món quà lưu niệm nhỏ nhưng rất ý nghĩa đối với diễn giả.

TS. KTS. Nguyễn Quang Minh
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng