Trẻ em đang thiếu sân chơi đúng nghĩa

(Xây dựng) – Mùa hè đến không chỉ là niềm vui của học sinh được xả hơi sau một thời gian mệt mỏi mà còn là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Đối với nhiều gia đình thành thị chuyện con sẽ ở nhà với ai? ai sẽ trông con? hay con sẽ chơi ở đâu? làm sao để con chơi mà vẫn an toàn? Là một vấn đề lớn chưa có lời giải mỗi dịp hè về.


Những khu vui chơi đúng nghĩa cho thiếu nhi đang thiếu trầm trọng.

Không chỉ các gia đình khó khăn mà ngay cả các gia đình thành thì khi hè về các em cũng chỉ có thể quẩn quanh sân nhà hay mảnh vườn nhà mình. Không có nơi vui chơi, lại chán ở nhà, nhiều em đã rủ nhau chơi thả diều xung quanh nhà mình; tận dụng ngã ba, ngã tư để đá bóng, chơi cầu lông hoặc rủ nhau đi tắm sông, suối.

Điều đáng nói là các em chơi các trò chơi ở những địa điểm này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi có thể bị điện giật khi diều mắc vào dây điện; có thể bị đuối nước khi tắm sông, suối mà không có người lớn giám sát…

Trong mấy năm qua số lượng nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và huyện đã ít, song hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao dành cho thiếu nhi cũng trở nên quá tải, nhất là trong dịp nghỉ hè bởi quá đông các gia đình muốn đăng ký cho con em mình đến sinh hoạt, vui chơi.

Hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật của không ít các nhà văn hóa, điểm vui chơi của trẻ em đang bị xuống cấp, ít được quan tâm đầu tư cải tạo hay làm mới, trang thiết bị thì đơn điệu. Ở nhiều nơi, không gian vui chơi cũng đang dần bị thu hẹp trước áp lực dân số, quá trình đô thị hóa và các loại hình kinh doanh dịch vụ.

Các khu đô thị được xây dựng cũng chưa thật sự quan tâm đến sân chơi cho trẻ nhỏ, có khi chỉ làm một cách hình thức với diện tích rất hạn hẹp. Có thể nói, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em cả ở đô thị và nông thôn đã trở nên trầm trọng từ nhiều năm nay và cứ đến dịp hè thì sự bất cập ấy lại được dư luận nhắc nhở, song rồi đâu vẫn hoàn đấy chẳng mấy chuyển biến.

Ở nhiều khu dân cư đô thị, các điểm vui chơi của trẻ em đã bị thu hẹp lại hoặc bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích như bãi trông xe, chỗ để nguyên vật liệu xây dựng, nơi phơi quần áo… Nhiều khu đô thị mới cũng chỉ lèo tèo vài vườn hoa, không có chỗ chơi riêng cho trẻ, như khu vực Mỹ Ðình, Trung Hòa-Nhân Chính…

Công viên Lê-nin và Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) từng là địa chỉ hấp dẫn của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ, Tết còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các tỉnh thành về tham quan, vui chơi.

Nhưng phải đến gần 10 năm nay, các loài thú quý hiếm “trưng bày” ở Vườn thú Thủ Lệ không được bổ sung, thậm chí ngày một ít đi, trong khi đó tràn ngập trong vườn thú là các trò chơi thu tiền, các hàng quán ăn uống la liệt. Còn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, do diện tích sân chơi chật hẹp nên đã hạn chế việc lắp đặt các trò chơi hiện đại, trong khi nhu cầu vui chơi của trẻ em đến đây tăng rất mạnh trong mùa hè.


Cung Thiếu nhi Hà Nội với diện tích sân chơi hạn hẹp…

Một trong những nguyên nhân khiến vùng nông thôn thiếu sân chơi cho trẻ em bởi nhiều làng xã đang bị đô thị hóa hoặc bê tông hóa với tốc độ “chóng mặt”. Người ta lấy đất để xây công xưởng, trở thành bãi gửi xe, nơi buôn bán… khiến trẻ em mất dần đi sân chơi của mình.

Ngoài ra, dù nhiều nơi cũng có nhà văn hóa của thôn nhưng lại thiếu sách báo, văn phòng phẩm, đồ chơi… khiến trẻ không “mặn mà” mà lại tự bày ra trò chơi cho mình ở những nơi nguy hiểm.

Không chỉ có vậy nạn đuối nước cũng luôn rình rập các em trong ngày hè nóng nực khi thiếu các khu bơi lội đạt tiêu chuẩn và do không có ai quản lý nên nhiều em còn tìm đến những hàng game online trong vùng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành tính cách, lối sống của các em.

Bên cạnh sự xuống cấp về chất lượng của cơ sở kỹ thuật, hạ tầng, việc khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi cho trẻ em cũng chưa thật hiệu quả. Làm gì và làm thế nào để tạo ra được những loại hình giải trí lôi cuốn, phù hợp lứa tuổi của các em là cả một vấn đề nan giải.

Ngay như trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Trong khi các cuộc thi dành cho người lớn đã nhàm chán, thiếu yếu tố mới, thì xem ra những cuộc thi của con trẻ biết hát, nhảy những bài hát, điệu nhảy của người lớn lại tạo cảm hứng cho khán giả. Chưa đến hè, rất nhiều các chương trình dành cho trẻ em tất bật khởi động, tìm kiếm tài năng nhí cho một cuộc chơi mà các nhà sản xuất được lắm lợi nhất.

Sân chơi CT3 - Nam Cường (2)

Sân chơi được trang bị các thiết bị vui chơi an toàn tại KĐT CT3 – Nam Cường (Cổ Nhuế, Hà nội)

Thiếu sân chơi và các loại hình giải trí phù hợp, lại không có sự quản lý của nhà trường trong kỳ nghỉ hè cùng sự buông lỏng của gia đình, các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở còn thiếu quan tâm, đã dẫn đến tình trạng trẻ em dễ tụ tập, sa vào các điểm vui chơi không lành mạnh. Hoạt động vui chơi, giải trí là nhu cầu cần thiết, giúp các em phát triển về thể chất, trí tuệ và nhân cách một cách toàn diện.

Không chỉ quan tâm tổ chức hoạt động vui chơi cho các em nhỏ ở đô thị, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cũng cần chú trọng tạo điều kiện vui chơi cho các em nhỏ ở những vùng xa trung tâm, vùng nông thôn, miền núi. Ðể làm được điều này, cần huy động các nguồn lực theo phương thức xã hội hóa.

Về lâu dài, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách ưu tiên xây dựng các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp hát và hỗ trợ cho những chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi để các nhà đầu tư, các đơn vị nghệ thuật, các nhóm nghệ sĩ có điều kiện và yên tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các loại hình vui chơi, giải trí cho các em.

Minh Hằng (tổng hợp)