Thiếu sân chơi cho trẻ em

Nhiều nơi ở Hà Nội người ta chiếm sân chơi của trẻ làm bãi giữ xe, tập kết rác. Ở nơi có sân chơi, trẻ không dám trèo lên cầu trượt, đu quay vì sợ trầy mông, sướt tay.

pZaTuoPGSân chơi cho trẻ để cỏ mọc xanh um( Ảnh chụp tại phường Trung Tự quận Đống Đa)-Ảnh: X.Long

Nhiều nơi ở Hà Nội người ta chiếm sân chơi của trẻ làm bãi giữ xe, tập kết rác. Ở nơi có sân chơi, trẻ không dám trèo lên cầu trượt, đu quay vì sợ trầy mông, sướt tay.

Khu sân chơi của phường Trung Tự, quận Đống Đa rộng cả ngàn mét vuông nhưng chỉ có một cầu trượt được xây dựng trước đây hàng chục năm, xung quanh cỏ dại mọc kín.

Chị Nguyễn Thị Liên, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), giúp việc cho một gia đình sống gần nơi đây, nói: “Mỗi lần tôi dẫn đứa cháu 8 tuổi ra đây chơi không dám rời nửa bước vì sân chơi cũ kỹ, xuống cấp. Cầu trượt bằng ximăng gồ ghề, trẻ vui trượt sẽ trầy da mông”.

Cách nơi này chừng 200m, một sân chơi có cầu trượt, đu quay nhưng đã bị phơi nắng mưa dẫn đến hoen gỉ. Những chiếc đu quay bị tháo đi phần “ngọn”, trơ lại một vòng xuyến bằng sắt bán kính hơn 10m với những cọc sắt lồi lõm xung quanh.

Một hộ dân gần đó cho hay khi được đầu tư mọi thứ đều mới, nhưng qua năm tháng không ai dòm ngó bảo dưỡng nên sắt thép han gỉ dần. Các cháu nhỏ sáng, chiều vẫn qua đây chơi nhưng hễ bén mảng đến gần vòng xuyến là phụ huynh phải chặn lại. Thay vì thu hút nhiều trẻ nhỏ, nơi đây được quen gọi là “quán cờ tướng” quần tụ toàn những bậc trung và cao niên.

Một số sân chơi dành cho trẻ ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; phường Cống Vị, quận Ba Đình dù được xây rào, làm ghế đá nhưng sau đó lại bị trưng dụng vào những mục đích khác. Cụ thể, sân chơi tại cụm 14 phường Cống Vị một góc bị chiếm dụng làm nơi để xe. Sân chơi tại tổ 53 Giáp Nhất, phường Nhân Chính cũng bị chiếm làm nơi tập kết rác thải.

Bỏ quên nhiệm vụ

Bà Tạ Thị Yên – phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân số – gia đình & trẻ em (DS-GĐ&TE) quận Tây Hồ – cho biết thực trạng sân chơi cho trẻ em là một trong những vấn đề bức xúc tại các khu dân cư hiện nay. Quận Tây Hồ có 59 khu dân cư nhưng 16 khu dân cư không có sân chơi dành cho trẻ.

Ngay cả 43 sân chơi đã được đầu tư mỗi năm cũng chỉ phục vụ ba tháng nghỉ hè của các cháu. Chỉ khoảng hai năm sử dụng, các thú chơi bị phơi nắng mưa sẽ hoen gỉ, xuống cấp, sân chơi lại bỏ hoang. Bà Yên nói tại hai phường Yên Phụ, Thụy Khuê sân chơi dành cho trẻ gần như không có. Những nơi có diện tích đất nhỏ lẻ phù hợp làm sân chơi nhưng không hẳn đã được cấp.

Theo bà Yên, có một thực tế là đất qui hoạch làm sân chơi cho trẻ ít dần vì đầu tư làm sân chơi ít thu được lợi. Vì vậy nhiều phường xã phải mượn sân chơi của nhà trường hoặc hè phố cho trẻ vui chơi.

Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE Hà Nội, khẳng định qui chế tạm thời về sân chơi cấp cơ sở, cơ chế quản lý đã có từ năm 1998 xác định rõ lộ trình xây dựng đời sống văn hóa thông tin cho trẻ em giai đoạn 2001-2010, cụ thể giao ngành văn hóa nhưng qui định này đã bị bỏ quên.

Theo ông Hùng, qua đợt rà soát đánh giá hiện trạng sân chơi dành cho trẻ em cấp phường xã do đơn vị này đang thực hiện cho thấy trong số hơn 2.000 điểm vui chơi báo cáo có những quận không đánh giá được hiện trạng. Theo kết quả rà soát ban đầu, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 45% sân chơi cấp phường xã có đầu tư, trang bị các thú chơi.

 

XUÂN LONG( Theo Tuổi trẻ)