Nguy hiểm chết người khi tập thể dục dưới lòng đường

ANTD.VN – Thay vì vào các khu vui chơi giải trí, công viên, vườn hoa…, nhiều người vẫn coi thường tính mạng của mình khi tập thể dục dưới lòng đường.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với người đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông, tuy nhiên, việc xử lý trong thời điểm hiện tại chỉ như “muối bỏ bể…”. Việc xử phạt vi phạm của lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn, bởi sự thiếu hợp tác của người vi phạm và có cả thái độ chống đối quyết liệt.

Tử vong vì tai nạn khi tập thể dục

Khoảng 6h sáng 24-10, theo thói quen hàng ngày, các bà Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hạnh và Trần Thị Nga (đều trú tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) rủ nhau đi tập thể dục. Lộ trình mà những người phụ nữ này chọn là tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Khi cả 3 người vừa đi bộ vừa trò chuyện, bất ngờ chiếc xe cứu hộ BKS: 29C-917.00 mất lái lao thẳng lên vỉa hè. Chiếc xe đâm vào số người đi tập thể dục nêu trên. Hậu quả, 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương rất nặng.

Chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ việc trên, tại ngõ 12, phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cũng xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ tập thể dục buổi sáng khiến 1 phụ nữ bị thương nặng. Thông tin ban đầu cho thấy, một người đàn ông điều khiển xe máy đi từ đường Giảng Võ hướng về phố Kim Mã, khi đến ngõ 12 – Ngọc Khánh đã đâm trực diện vào một phụ nữ khoảng 50 tuổi. Lực đâm rất mạnh khiến người phụ nữ bị hất ngã xuống đường bất tỉnh. Vụ việc sau đó được người dân thông báo cho lực lượng công an, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân vào bệnh viện trong tình trạng chấn thương nặng.

Là người siêng  tập thể dục, anh Nguyễn Quang Toàn, nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chọn chạy bộ làm cách rèn luyện sức khỏe. Sau một lần chạy bộ qua cầu Vĩnh Tuy để sang đê Thạch Bàn, quận Long Biên, anh Toàn trở về nhà với tâm trạng đầy sợ hãi. “Chạy bộ qua cầu Vĩnh Tuy rất sợ bởi mặt cầu rộng, nhiều loại phương tiện tham gia giao thông. Tốc độ của các phương tiện rất cao, nếu không chú ý thì tai nạn sẽ xảy ra. Một lần qua đây là quá đủ và tôi sẽ không bao giờ chạy bộ qua cầu Vĩnh Tuy nữa” – anh Toàn thuật lại.

Muốn có sức khỏe trước hết phải an toàn

Nhìn nhận câu chuyện trên, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm và điều tra TNGT, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, nhu cầu tập thể dục của người dân là chính đáng, giúp rèn luyện thân thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc chạy bộ dưới lòng đường hay trên cầu lớn là hoàn toàn sai Luật Giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đã là tập thể dục thì người dân thường chọn hai khung giờ sáng sớm và chiều tối. Đây cũng là thời điểm mà tầm quan sát của cả người đi bộ hoặc chạy tập thể dục cũng như lái xe đều rất hạn chế.

Nếu như ở các tuyến phố nội đô thì mật độ phương tiện đông, vỉa hè nhiều nơi bị lấn chiếm khiến người đi bộ, chạy thể dục thường phải hoạt động dưới lòng đường. Tương tự với những tuyến quốc lộ, hầu như không có vỉa hè nên người đi bộ cũng chỉ có cách duy nhất là chạy dưới lòng đường. Tất cả những yếu tố này đều dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

 

Thống kê của Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, CATP Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 102 vụ TNGT làm 67 người chết, 53 người bị thương liên quan đến người bộ hành. Dù so với các lỗi vi phạm khác thì số vụ, người chết vì tai nạn liên quan đến người bộ hành ít hơn, song so với các năm trước thì lại có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp. Qua ghi nhận của phóng viên, ở nhiều điểm, khu vực đông dân cư, có các công trình lớn, công cộng như công viên, nhà ga, bến xe, bệnh viện đều có cầu vượt, hầm bộ hành, song số người đi bộ sử dụng các con đường an toàn này để sang đường, đi lại khá hiếm. Thay vào đó, họ tràn xuống lòng đường, cắt ngang mặt các phương tiện và vô tư sang đường.

“Trước thực trạng này, chúng tôi vẫn đang tập trung tuyên truyền Luật Giao thông cho người dân nhưng hơn ai hết, chính bản thân người đi bộ cần phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông” Thiếu tá Vũ Văn Hoài cảnh báo

“Hầu hết những người đi bộ, tập thể dục đều là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ. Nhiều trường hợp khi bị CSGT xử phạt đã viện dẫn lý do nhà gần, không mang theo giấy tờ tùy thân, tiền bạc nên không chấp hành quy định an toàn khi đi lại, cũng như xử phạt” 

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Nguồn: An ninh thủ đô