Để trẻ không còn “khát”những sân chơi

Sau thời gian dài học tập căng thẳng, dịp hè là thời gian thiếu nhi có nhu cầu được vui chơi, giải trí tại các sân chơi mang tính lành mạnh, bổ ích. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là sân chơi cho trẻ em ở TP Hà Nội vẫn trong tình trạng “cung” không đủ “cầu”.

Nơi cần không có
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hiện toàn Thành phố có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó, khu vực nội đô có 29 điểm (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ) và được tập trung tại 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Với số dân đông, mật độ xây dựng cao, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Theo thống kê, diện tích các công viên và vườn hoa trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08m2/người (so với chỉ tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030 là 2,43m2/người).

Đơn cử, tại phường Văn Chương (quận Đống Đa), toàn phường có 18.000 dân, nhưng chỉ có 3 sân chơi, trong đó diện tích sân lớn nhất là 500m². Phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) có 1 sân chơi diện tích 1.000 m² phục vụ cho 20.000 dân. Phường Trung Phụng (quận Đống Đa) có 18.000 dân nhưng chỉ có 1 sân chơi rộng 30m², chưa kể nhiều phường, khu dân cư khác vẫn đang là điểm “trắng” vườn hoa, sân chơi. 

Em Nguyễn Hoàng Anh (14 tuổi) ở tại khu tập thể Trung Tự chia sẻ: “Hôm thì chúng em ra hồ xem bắt cá, hôm thì chơi ngay ở cầu thang. Cũng có lúc sang khu vui chơi của khu tập thể khác, nhưng vừa xa lại ít bạn nên em cũng không thích sang đấy. Giá khu nhà em cũng có sân chơi thì tốt biết mấy.”
Các khu đô thị mới, hiện đại nhưng cũng không ít nơi rơi vào tình cảnh “khát” sân chơi, có thể kể đến như: Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao 41 tầng, có sức chứa hơn 30 vạn dân cũng không có sân chơi. Tại khu đô thị Đại Thanh, Định Công, trẻ em phải chơi trong hành lang, sảnh chung cư của tòa nhà. Nhiều chung cư thuộc trung tâm như Lancaster Núi Trúc, Ngọc Khánh Plaza, 71 Vườn Xuân, M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, 27 Huỳnh Thúc Kháng, C37 Bắc Hà, Tây Hà… cũng thiếu vắng sân chơi trẻ em.
Hay khu đô thị Văn Khê đi vào hoạt động từ năm 2012 với hơn 100 biệt thự, hàng trăm căn liền kề và 6 chung cư cao tầng nhưng lại không có sân chơi cho trẻ. Năm 2016, cư dân các tòa chung cư đã cùng góp tiền xây dựng khu vui chơi. Trên thực tế, đó là khoảng trống dưới chân các tòa nhà được đặt thêm xích đu, cầu trượt… Không gian này ngoài là chỗ đi lại, vui chơi của trẻ, cũng “tích hợp” cả hàng quán, chỗ để xe.
Nơi có… không được dùng
 
Phần lớn những khu tập thể cũ được hình thành sau giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đều có sự đồng bộ trong thiết kế: nhà ở, sân chơi, hệ thống trường học và hệ thống xử lý rác thải. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa khiến nhiều không gian công cộng trong đó có sân chơi dành cho trẻ bị chuyển đổi công năng. Thay vì phục vụ cộng đồng, các không gian này bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh, buôn bán. Chẳng hạn như khu tập thể nhà E3 Thái Thịnh (cụm dân cư 5A, phường Thái Thịnh, quận Ðống Ða) có một khoảng sân rộng hơn 150 m2, vừa làm sân chơi cho trẻ em, vừa làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung. Sân chơi đã bị một hộ kinh doanh hàng ăn chiếm luôn quá nửa diện tích làm nơi bày bàn ăn và để xe của khách, hoạt động liên tục từ khoảng 10 giờ đến 20 giờ hằng ngày. 
Một số khu dân cư, khu tập thể khác như Kim Liên, Giảng Võ, Trung Tự, Thành Công…  diễn ra tình trạng tương tự. Tại khu tập thể nhà D8 (phường Thành Công, quận Ba Ðình), khoảng sân chơi rộng gần 200m2 bị nhiều người chiếm dụng làm hàng quán. Khu dân cư số 6 Vạn Phúc (phường Kim Mã, quận Ba Ðình), dù có khoảng sân rộng được gắn biển “Sân vui chơi trẻ em” nhưng cũng bị biến thành nơi họp chợ, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường.
 
 
Chị Phương Anh, nhà B5 tập thể Thanh Xuân Bắc, phố Nguyễn Quý Đức chia sẻ: “Khi chúng tôi còn nhỏ, đời sống vật chất tuy khó khăn, nhưng vui hơn trẻ con bây giờ vì được tha hồ chạy chơi trên khoảng sân rộng trước khu nhà tập thể. Bây giờ cuộc sống đầy đủ, nhưng trẻ em lại thiệt thòi hơn, vì rất ít chỗ để chơi”.
Ở một số khu đô thị mới, hiện đại, người dân cũng đành ngậm ngùi trước sự “chiếm dụng”  không gian sinh hoạt chung của nhà đầu tư hay các công ty quản lý nhà. Đơn cử như Khu đô thị Nam Trung Yên, những khoảng trống rộng rãi giữa các dãy nhà chung cư đã bị “tận dụng” làm bãi tập lái cho học viên. Chung cư ở Làng quốc tế Thăng Long, khoảng sân phía trước chung cư biến thành bãi để xe ô tô. Và ở rất nhiều khu đô thị khác, khoảng sân dưới các tòa nhà đã bị biến thành bãi trông xe phục vụ các dịch vụ của các nhà hàng, ngân hàng, siêu thị…
Một số những địa điểm vui chơi nổi tiếng dành cho trẻ em trên địa bàn Thủ đô Hà Nội như công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo… cũng không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các em nhỏ bởi các thiết bị vui chơi ở đây đã bị xuống cấp, lạc hậu.
Ngoài ra ở một số khu đô thị, khu tập thể tuy rằng có chỗ vui chơi cho thiếu nhi nhưng diện tích hạn hẹp, đồ chơi để ngoài trời không được bảo quản thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng. Các nhà văn hóa địa phương được xây dựng với mục đích là nơi vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt là trẻ em, cũng rơi vào tình trạng vắng bóng.

Hệ lụy từ việc thiếu sân chơi 
 
Cứ vào các buổi chiều, trên đoạn đường Lê Đức Thọ, trước cổng sân vận động Mỹ Đình, đều có rất đông phụ huynh đưa con ra chơi thả diều, đá bóng, trượt patin… dưới lòng đường bất chấp dòng xe hối hả qua lại. Chia sẻ với Người Hà Nội một vị phụ huynh cho biết: “Tôi cũng biết chơi ở dưới lòng đường là rất nguy hiểm, nhưng “vạn bất đắc dĩ”,  xung quay chỗ tôi ở không có sân chơi nên tôi mới đưa con ra đây.” 
Ở nhiều khu tập thể, các em còn tận dụng cầu thang làm cầu trượt, đường đi làm sân bóng… Và chỉ cần sơ  ý thì những xây xát thậm chí là tai nạn thương tích cũng rất dễ xảy ra.
 
 
Có thể nói, việc thiếu sân chơi không chỉ dẫn tới những nguy hiểm khó lường, như tai nạn thương tích mà còn vô tình “đẩy” các em tìm đến những trò chơi game online. Việc một đứa trẻ rành rẽ cách sử dụng một chiếc ipad, smart phone hay máy vi tính hoàn toàn không có gì là xấu. Nhưng cái xấu ở đây là việc trẻ ngày càng ít giao tiếp với mọi người, hoặc tham gia những trò chơi sinh hoạt ngoài trời, mà chỉ biết đắm chìm vào thế giới ảo. Hơn nữa, các trò chơi game online đều không giới hạn độ tuổi người chơi nên rất có thể trẻ em sẽ tiếp cận với những trò chơi mang đậm chất bạo lực, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Để các em nhỏ có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thì việc tạo ra các sân chơi, các điểm vui chơi cho các em là vô cùng cần thiết. Điều này đỏi hỏi cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền phải vào cuộc một cách quyết liệt. Không chỉ cần có những quy chế, chế tài cụ thể về quản lý các công trình công cộng dành cho thiếu nhi, mà còn đòi hỏi ở cộng đồng ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và tạo dựng những sân chơi cho trẻ… Có như thế mới hy vọng trẻ không còn “khát” những sân chơi. 
Cao Yến( Theo Người Hà Nội)