Mùa hè cũng là lúc các em nhỏ được nghỉ ngơi, vui chơi nhưng chơi ở đâu cũng là điều làm đau đầu các phụ huynh. Gần nhà thì không có sân chơi, mà muốn cho con đến các công viên, khu vui chơi lớn thì thường phải “để dành” đến cuối tuần.
Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em tại rất nhiều khu dân cư ở Hà Nội đang là vấn đề cần được giải quyết, để trả lại cho các em những nhu cầu vui chơi thiết yếu.
Bỏ quên thiếu nhi
Trong bóng tối mập mờ dưới chân khu chung cư Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội), các em nhỏ tung tăng chạy chơi quanh chiếc đu quay đã cũ kỹ, những em lớn hơn phải nhường cho em nhỏ chơi trước.
Thương trẻ con không có chỗ chơi, các hộ dân ở đây đã tận dụng khoảng sân nhỏ hẹp phía dưới để tự “trang bị” cho con em chiếc đu quay này để có chỗ vui chơi, tuy nhiên, vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của các em. Một phụ huynh bế con xuống chơi than thở: “Cả mấy tòa nhà mới có một chiếc đu quay, nên chiều nào các cháu nhỏ cũng xuống chơi rất đông. Những lúc đông quá, người lớn lại phải đứng ra để chia lượt cho các cháu không tranh giành nhau. Trẻ nhỏ rất hiếu động, rất cần có chỗ để chạy nhảy nhưng không gian ở đây quá chật chội mà để các cháu chơi dưới lòng đường thì rất nguy hiểm”.
Trẻ em cần có những sân chơi để phát triển cả thể chất và tinh thần.
Không chỉ tại các khu dân cư, khu tập thể lâu năm; nhiều khu đô thị mới cũng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em. Nhiều khu tuy rộng nhưng trong quy hoạch vốn đã không có khuôn viên vui chơi, lại tận dụng triệt để khoảng sân biến thành bãi đỗ xe.
Cũng có nơi xây dựng vườn hoa, sân chơi, nhưng lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích như tại các khu tập thể: Trung Tự, Kim Liên (Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân, khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy)… Cũng bởi tại khu dân cư không có chỗ chơi, thậm chí một số khu vui chơi lớn tuy có nhưng không đủ sức chứa, nội dung tẻ nhạt nên các khu mua sắm, siêu thị lại ngẫu nhiên trở thành điểm vui chơi hấp dẫn của các em. Ở Hà Nội các trung tâm lớn như Royal City, Times City, BigC… là điểm đến của rất đông các em nhỏ vào những dịp cuối tuần.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó khu vực nội đô có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ). Với mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Theo thống kê, diện tích các công viên và vườn hoa trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08 m2/người (so với chỉ tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là 2,43 m2/người); thậm chí có những khu vực như quận Thanh Xuân con số này là 0%.
Có thực trạng trên là do sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư cũng như của các cơ quan quản lý trong việc giám sát xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới, đã làm ảnh hưởng đến quyền vui chơi của trẻ em.
“Thiếu chỗ để hoạt động vui chơi hằng ngày, các em nhỏ không chỉ kém phát triển về mặt thể chất, sức khỏe mà cả tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Khi phải ở trong nhà nhiều, các em dễ rơi vào nghiện game, sống ảo trên mạng, thiếu những kỹ năng tiếp xúc, giao tiếp ảnh hưởng đến khả năng lao động sau này”, một chuyên gia tâm lý cho biết.
Sẽ đầu tư mạnh
Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vườn hoa, sân chơi khu dân cư trong quy hoạch đô thị. Nên có chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, có thể huy động các nguồn từ xã hội hóa, hay các tổ chức xã hội phi lợi nhuận để cùng vào cuộc, trả lại nhu cầu vui chơi thiết thực cho các em nhỏ.
Để giải quyết vấn đề sân chơi, vườn hoa cho nhân dân, đặc biệt là các sân chơi trẻ em, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8826/UBND – XDGT gửi các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã về việc quản lý, đầu tư vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kiến nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc, thành phố cũng đã chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa tại 118 phường, xã, thị trấn, với tổng diện tích 59 ha. Sau khi giải quyết nhu cầu còn thiếu đợt đầu cho 118 phường, xã, thị trấn nói trên, nhu cầu cần giải quyết giai đoạn sau sẽ là 334 phường, xã, thị trấn (thuộc 23 quận, huyện, thị xã), với tổng diện tích 167 ha.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý các sân chơi, vườn hoa, được chủ động trong việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Với chủ trương mới của thành phố, hy vọng nhu cầu về sân chơi cho trẻ em sẽ được giải quyết, các em nhỏ sẽ được trả lại những không gian vui chơi, giải trí thực sự lành mạnh để có thể phát triển đầy đủ cả thể chất và tinh thần.
Anh Đỗ Quốc Toản, Thanh Xuân, Hà Nội:
Trước tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em như hiện nay, trước mắt cần tận dụng cải tạo những sân chơi đã có sẵn nhưng bỏ không hoặc xuống cấp ở các khu dân cư, nâng cấp làm mới, mua sắm thêm các dụng cụ trò chơi để không bị lãng phí những sân chơi này. Nếu không đủ kinh phí để làm, có thể huy động các nguồn tài trợ, chúng tôi sẽ sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức để lo cho con em có chỗ vui chơi. Với những khu vui chơi lớn hiện có trong thành phố như: Các công viên, vườn thú… cần được quản lý tốt hơn, đầu tư nâng cấp làm phong phú thêm các hoạt động vui chơi để hấp dẫn hơn nữa.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:
Với những chung cư cũ khi cải tạo lại, cần phải lấy lại những diện tích công cộng đã bị chiếm dụng. Chúng ta hoàn toàn có thể tái thiết các khu chung cư này thành những khu vực có chất lượng sống tốt, như xây dựng những không gian ngầm, đường phố ngầm để tận dụng tầng trệt làm sân chơi, đồng thời, có thể tổ chức không gian mái thành những vườn hoa. Đây là những cách thức để tạo thêm không gian công cộng với những khu vực thiếu quỹ đất.
|
Tạ Nguyên( tin tức online)