QTV – Thiếu sân chơi, trẻ em vùng cao thường phải tự tìm những trò chơi riêng sau thời gian phụ giúp bố mẹ như tắm suối, trèo cây,… Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn, thương tích đáng tiếc như: đuối nước, gãy tay chân hay xây xước thân thể…
Nếu như những ngày hè đối với trẻ em thành thị là chuỗi những ngày được nghỉ ngơi, thư giãn, được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, đi du lịch cùng gia đình hay đến những khu vui chơi, giải trí thì đối với những trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, sân chơi dịp hè luôn là một điều mơ ước. Thiếu sân chơi, sau những lúc phụ giúp gia đình công việc nhà, trẻ em vùng cao thường tự tìm những trờ chơi như tắm suối, trèo cây,…Những trò chơi không đảm bảo an toàn này là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn, thương tích đáng tiếc như: đuối nước, gãy tay chân hay xây xước thân thể…
Các cháu thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn được các anh chị đoàn viên thanh niên hướng dẫn chơi trò chơi kéo co
Huyện Bình Liêu là huyện miền núi, địa hình chia cắt phức tạp, dân cư ở một số thôn, bản sống thưa thớt, vì vậy để tập hợp, duy trì và tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho các cháu thiếu nhi gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nông Thị Hương – Bí thư đoàn xã Lục Hồn chia sẻ: “Để tổ chức sinh hoạt hè cho các em, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất về việc tập trung trẻ em, do nhà ở của các hộ dân thưa thớt nên việc huy động các em gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, kinh phí để tổ chức cho các hoạt động hè còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh còn thờ ơ với các hoạt động hè dành cho con của mình nên thờ ơ, bỏ mặc để các cháu tự vui chơi với nhau. Hay quan niệm của một số gia đình là đã cho con đi học suốt 9 tháng rồi thì những ngày nghỉ hè là dịp để các em đỡ đần công việc nhà cho phụ huynh”.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức này không làm nản chí những người làm công tác đoàn như chị Hương. Trên đường đưa chúng tôi đến nhà Văn hóa Thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn, chị tâm sự: “Làm bên này vất vả lắm chị ạ, các em nghỉ hè đến nay đã được hơn một tháng rồi, nhưng vẫn chưa có sân chơi nào đúng nghĩa để các em sinh hoạt hè. Trong lúc chờ đợi sân chơi, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức sinh hoạt hè cho các em. Theo đó, tại những nhà văn hóa thôn, chúng tôi tổ chức cho các em những trò chơi như: kéo co, nhảy bao bố, đánh cờ, học đàn tính,…Song song với việc tổ chức các trò chơi, chúng tôi cũng tuyên truyền cho các em những kiến thức về an toàn giao thông, những kỹ năng cơ bản về phòng tránh đuối nước… Những hoạt động này tuy còn ít nhưng cũng phần nào tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em vùng cao trong dịp hè”.
Anh Hoàng Mạnh Quỳnh – thầy giáo dạy đàn tính cho các em sinh hoạt hè tại nhà văn hóa Thôn Cốc Lồng tâm sự: “Để giúp các em thư giãn sau một thời gian dài học tập, tôi đã dạy các em tập đánh đàn tính, tập hát then. Việc truyền dạy cho các em làn điệu dân tộc vừa giúp các em hiểu được rõ hơn về phong tục tập quán dân tộc mình, vừa giúp các em có những ngày hè bổ ích”.
Việc tổ chức lớp đánh đàn tính giúp các em được rèn luyện kỹ năng, phát huy năng khiếu
Có thể thấy, việc tham gia các lớp học năng khiếu như thế này giúp các em được rèn luyện kỹ năng, phát huy năng khiếu, giao lưu, học hỏi trong môi trường lạnh mạnh và an toàn. Em Chu Thị Tuyết Nhàn – Thôn Nà Luông, xã Lục Hồn chia sẻ: “Em đang học lớp đàn tính thầy Quỳnh dậy được 3 ngày rồi, em cảm thấy rất vui và em tin sau 1 tuần nữa em có thể tự đánh được đàn tính cho các bài hát then mà em thích”.
Việc tổ chức sinh hoạt hè cho các em tại các điểm nhà văn hóa với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích là những hoạt động cần thiết giúp các em nhỏ có được những ngày hè vui, đảm bảo sức khỏe, an toàn và nâng cao thể chất, trí tuệ trong khi vẫn đang thiếu những sân chơi cần thiết cho trẻ, nhất là vào dịp hè./.
Hoàng Gái (Trung tâm TT&VH Bình Liêu)