Thể dục ở trường học – 1.001 lý do để nhàm chán

Theo các giáo viên GDTC, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho môn học này chưa thực sự hiệu quả như: Chương trình môn GDTC chính khóa hiện nay có thời lượng quá lớn; đơn cử như đối với lớp 6 trong một tiết học Thể dục mà có quá nhiều nội dung cần phải truyền tải, gồm chạy ngắn, nhảy xa, các bài tập thể dục tự do… đã gây nên hiện tượng “quá tải” cả về kiến thức lẫn sức khỏe cho các em, nhiều trường hợp thậm chí phản tác dụng.

 

“Môn GDTC được học xen kẽ với các môn văn hóa. Nếu học buổi sáng, nhà trường thường bố trí vào tiết 2 và tiết 3, hoặc cùng lắm là đến tiết 4. Riêng tiết 1 và tiết 5 thì nhà trường thường không xếp lịch học vì nếu học tiết 1, vào mùa đông, thời tiết không ủng hộ; còn vào tiết 5, các em học đã mệt nên nếu tiếp tục học Thể dục sẽ không đảm bảo chất lượng. Môn học này thường học rải rác trong tuần vì lượng giáo viên biên chế có hạn nếu không bố trí khéo sẽ không đủ GV dạy” – Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Sông Thao phân tích. Cô Ma Thị Hồng Yến – GV Thể dục Trường THCS Thị trấn Sông Thao bổ sung: “Một trong những nguyên nhân khiến GDTC chưa thực sự hiệu quả do thiếu GV đào tạo đúng chuyên ngành. Hơn nữa, trong chương trình giảng dạy còn nhiều điểm chưa thật sự cụ thể và thống nhất như nhiều môn học tự chọn chúng tôi phải tự tìm hiểu rồi tự dạy cho HS chứ không có một sự hướng dẫn cụ thể hay quy định chung nào cho các môn học này. Việc đòi hỏi GV chuyên ngành cho từng môn lại càng không có”.

 

Giáo trình giảng dạy môn Thể dục gặp không ít khó khăn khi áp dụng trong thực tế. Đó là cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện của nhiều trường học không đảm bảo cho việc dạy và học môn GDTC. Do vậy, dù có muốn nhưng các trường không thể nào đảm bảo an toàn cho học sinh nếu dạy đúng chương trình các môn nhảy xa, nhảy cao, thể dục dụng cụ…

 

Cũng có khi, nhiều trường đặt ra những yêu cầu quá cao khi thi kiểm tra. Chẳng hạn như môn chạy 80 m dành cho nữ sinh lớp 10, nếu chạy hết 15 giây chỉ đạt điểm 5 (phải đạt 13 giây mới giành điểm tối đa) nên không ít học sinh cố chạy để đạt điểm cao đã ngất xỉu…

Hấp dẫn hơn, cách nào?

 

Nhiều lãnh đạo đã trăn trở và tìm giải pháp để “giải thoát” các em HS khỏi sự nhàm chán, tìm lại niềm say mê hứng thú từ những môn thể thao trong các giờ học thể dục sau những giờ học văn hóa căng thẳng.

 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan -Hiệu trưởng Trường tiểu học THCS Thị trấn Sông Thao (huyện Cẩm Khê) cho biết: “Nhà trường đã có những đầu tư nhất định về sân bãi, trang thiết bị dụng cụ tập luyện như: xà đơn, xà kép, đệm nhảy, sân bóng, thể dục… cộng thêm sự tích cực nâng cao trình độ chuyên môn của tất cả các giáo viên thể dục nên kết quả phong trào thể dục thể thao của trường hàng năm tương đối tốt, đã có nhiều giải cao trong các lần thi đấu cấp tỉnh và các em học sinh cảm thấy rất hứng thú với môn học này”.

 

Cô Nguyễn Thị Tư – Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Bán cũng chia sẻ: “Ngoài những môn học theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường cố gắng thiết kế một số nội dung góp phần làm phong phú chương trình học ngoại khóa môn GDTC như: Bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ.

 

Tuy nhiên, cô Tư cũng dãi bày, mặc dù đã tích cực đổi mới chương trình, nhưng về cơ bản môn học GDTC vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các em học sinh. Môn Bóng rổ gặp khó khăn nhiều nhất vì nhà trường không có đủ kinh phí, điều kiện sân bãi…

 

Bên cạnh đó, nội dung chương trình môn học tuy có đổi mới, nhưng những động tác “dập khuôn” lạc hậu vẫn được đem ra giảng dạy khiến học sinh nhàm chán. Ví dụ, hiện nay trên thế giới áp dụng kiểu nhảy cao “lưng qua xà”, thì ở chương trình THCS vẫn dạy kiểu “bước qua” (“cắt kéo”), rồi “úp bụng qua xà”. Nhiều trường chưa đổi mới về nội dung, hình thức giảng dạy, nên môn GDTC trở nên “cứng nhắc”. Bởi đào tạo toàn diện đòi hỏi các em không chỉ biết chơi mà còn phải hiểu cả luật lệ của những môn thể thao đó.

 

Cần lắm môn Thể dục

 

Em Đỗ Ngọc Huyền học sinh lớp 7B Trường THCS Thị trấn Sông Thao không ngần ngại bày tỏ: “Đây là môn học rất bổ ích cho lứa tuổi của chúng em, không những tạo ra sự thoải mái về tinh thần mà còn giúp chúng em hòa đồng với bạn bè, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần tập thể. Song GV hướng dẫn chuyên sâu cho từng môn thì chưa có đủ nên chất lượng học chưa thật cao. Sân tập, dụng cụ tập còn ít nên các buổi ngoại khóa chúng em không được học nhiều, điều đó phần nào làm giảm sự hứng thú với môn học”.

 

Thầy giáo Phùng Mạnh Thắng – Giáo viên dạy thể dục của Trường THCS Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) tâm sự: “Số tiết học môn GDTC vẫn hơi ít. Cần phải tăng số tiết học của môn này lên và có buổi học dành riêng cho thể dục (hoặc sáng, hoặc chiều), không nên xen lẫn vào các tiết học văn hóa trong cùng một buổi học. Điều đó sẽ giúp việc học thể dục của các em được tập trung hơn, tránh ảnh hưởng tới các giờ học văn hóa sau đó và thuận tiện trong việc chọn trang phục cho phù hợp với môn học”.

 

Có thể thấy, do muôn vàn những nguyên nhân chủ quan và khách quan, môn GDTC chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức. Đặc biệt, việc thiếu cơ sở vật chất là nguyên nhân chính khiến mỗi giờ học Thể dục trở nên nhàm chán và tẻ nhạt đối với HS cả nước nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng. Thiết nghĩ, cùng với ngành Giáo dục, các cấp chính quyền địa phương cần có sự đầu tư, đổi mới toàn diện hơn nữa để các giờ học GDTC thực sự phát huy được tác dụng tích cực của một môn học bổ trợ cần thiết cho sự phát triển đồng bộ về trí và lực cho trẻ.

 

Học đối phó, dạy cho có

Giữa trời nắng oi ả vào cuối giờ sáng, cả thầy và trò kéo nhau ra giữa sân trường… tập thể dục. Trò uể oải, mệt mỏi. Thầy cũng chẳng còn tâm trạng nào. Vì vậy, sau khi tập trung nghe phổ biến nội dung học, các em chỉ “tập luyện” qua quýt và tìm bóng mát để trú, ngồi túm năm tụm ba “buôn chuyện” chờ qua giờ điểm danh. Nhiều trường hợp học sinh còn bỏ hẳn cả tiết thể dục để đi đọc truyện hoặc chơi điện tử…

Cô giáo Nguyễn Thị Tư – Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Bán (huyện Cẩm Khê) cho biết: “Là một trường miền núi, HS chủ yếu là con em nông dân, đời sống còn nhiều khó khăn nên môn học GDTC chưa thực sự được coi trọng. Bởi vậy, mặc dù trường đã được thành lập hơn 20 năm song cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho môn học GDTC vẫn còn thô sơ và cũ kỹ. Nhà trường chỉ có 10 lớp học kiên cố, 2 phòng học cấp 4, 8 phòng chức năng, nhưng thiếu sân chơi hoặc khu đất dành riêng cho thể dục quá hẹp”.

 

Thành Chung – Trung Toàn