Phép màu của Doraemon

Quá bức xúc vì không thể tìm được một mảnh đất nhỏ để chơi trong đô thị Tokyo chật chội, Nobita đã cầu cứu chú mèo máy Doraemon và được giúp đỡ xây nên một thành phố trong lòng đất dành riêng cho trẻ em… Nhưng trên thực tế, người lớn có thể làm được những sân chơi như thế cho trẻ cơ mà? Sao không làm?

Điều ước cổ tích dễ thương này không chỉ là giấc mơ của chú bé Nobita trong truyện tranh mà còn phản ánh mơ ước và một thực tế chung ở nhiều thành phố đông đúc: sự thiếu hụt không gian sinh hoạt công cộng đúng nghĩa dành riêng cho một thành phần dân cư rất dễ bị tổn thương của đô thị, trẻ em.
 
Không gian chơi của trẻ bị lãng quên
 
Theo truyền thống xã hội, không gian được coi là công cộng ở Việt Nam hầu như chỉ giới hạn tại đình làng và chùa, nơi chỉ dành cho một số chức sắc quan trọng hoặc nam giới với những mục đích sử dụng rõ rệt. Không gian công cộng chỉ thực sự được du nhập vào đô thị Việt Nam theo chân người Pháp vào thời kỳ quy hoạch đô thị với đường có vỉa hè và các công viên vườn hoa được xây dựng. Sau này, vào thời Đổi mới và hiện nay, mục đích sử dụng không gian công cộng có sự kết hợp với các nhu cầu thực tế hơn như làm nơi chứa lương thực (đình làng) hoặc buôn bán (vỉa hè).
 
Ngoài những tác động rõ ràng về kinh tế và xã hội như làm gia tăng giá trị bất động sản và đem đến cho con người cơ hội sống lâu và giảm bệnh tật (chẳng hạn, đi bộ trong công viên làm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh tim), vai trò của không gian công cộng đối với sự phát triển sức khỏe tinh thần và thể chất của  trẻ em là không thể phủ nhận. Trong đó, mỗi hồ nước, đu quay, mỗi gốc cây hay thậm chí là đống vật liệu cũ cũng đem lại cho trẻ cơ hội được vận động, được cười đùa, được giao tiếp và được hoàn thiện chính mình. Đó đồng thời cũng là cơ hội để trẻ nhận định và kết nối với thế giới xung quanh và trưởng thành.
 
Cơ hội đó, dĩ nhiên không dễ dàng có được nếu người lớn chúng ta không phải là người tạo dựng những điều đó cho trẻ. Và bài toán lúc này lại chuyển về khía cạnh: Vậy thì chúng ta nên làm thế nào để tận dụng mọi không gian trống có được để xây nên ngày càng nhiều sân chơi cho trẻ em. Câu trả lời lại đến từ cộng đồng mà dự án Sân chơi bãi giữa sông Hồng (2014) hay xa hơn dự án Sân chơi An Mỹ, Hội An (2011) là những ví dụ tốt để áp dụng.
ảnh sân chơi Hội An (Nguồn: Ashui.com)
 
Hiện thực hóa sân chơi bằng sự góp sức của cộng đồng
 
Khoảng cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển các không gian công cộng ở Hội An, dự án xây dựng khu vực sinh hoạt chung cho cộng đồng đã được triển khai với sự góp sức của các nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư, cán bộ và các tình nguyện viên. Thực hiện theo phương pháp tập trung giải quyết vấn đề ngay tại địa phương (mô hình Charrette), dự án đã đạt được sự đồng thuận lớn và tạo kết quả mong muốn chỉ trong vòng 3 tháng.
 
 
Sân chơi An Mỹ sau khi hoàn  thành thi công (Nguồn ảnh: Ashui.com)
 
Quy trình thực hiện dự án có thể tóm tắt thành 3 bước: cùng cộng đồng lên phương án, hoàn thiện thiết kế và thi công. Ở mỗi bước thực hiện, cộng đồng luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng và linh hoạt. Trong khi các kiến trúc sư sẽ biến các ý tưởng của người dân thành dạng mô hình thu nhỏ làm từ giấy, xốp, keo dán…cũng như chỉnh sửa các ý tưởng để đạt được hiệu quả cao nhất về mặt kiến trúc và kinh tế, thì cộng đồng lại chính là người đưa ra quyết định nên ưu tiên cho nhu cầu nào để dự án có thể thực hiện ngay trong hiện tại. Cộng đồng dân cư An Mỹ đã đưa ra lựa chọn là ưu tiên xây dựng một sân chơi cho trẻ em tại vị trí bãi cỏ hoang trước nhà văn hóa.
 
Quá trình tham gia của cộng đồng không chỉ dừng lại ở giai đoạn ý tưởng và thiết kế. Họ theo sát dự án, cùng làm giám khảo để lựa chọn phương án quyết định, cùng tham gia thi công xây dựng lẫn giám sát công trình, cùng quan tâm đến từng khía cạnh nhỏ như chi phí cho món đồ chơi, loại vật liệu nên dùng… Cũng như, chính họ cũng đã đưa ra phương án duy trì hoạt động và nguồn kinh phí bảo dưỡng sân chơi sau khi đưa vào sử dụng.
 
Một khía cạnh khác khá mấu chốt của dự án chính là việc xây dựng sân chơi sử dụng được các nguồn lực tại chỗ như nguyên vật liệu (tre, cát) và nhân lực địa phương (thợ thủ công, thợ xây dựng, người dân) kết hợp cùng sự tài trợ từ bên ngoài (doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ). Sự chung tay của cộng đồng đã thực sự đem lại sinh khí mới cho khu vực và biến ước muốn có một sân chơi mạo hiểm mà vẫn an toàn của những đứa trẻ ở khối An Mỹ thành sự thật.
 
Việc trẻ em ở các đô thị lớn của Việt Nam đang phải trải qua thời thơ ấu trên xe máy, phải nếm mùi stress vì ô nhiễm, chật chội và bị cách ly với thiên nhiên từ những ngày còn rất bé là một thực tế đáng buồn phổ biến. Trẻ lại chẳng có trong tay một phép màu hay một chú mèo máy nào để biến ra một “thành phố” cho riêng mình cả.
Nhưng người lớn chúng ta có thể đem lại điều đó cho trẻ cơ mà?
 
Mô hình Charrette là một mô hình áp dụng trong quy hoạch không gian mở có sự tham gia của người dân để giải quyết một vấn đề địa phương ngay tại địa điểm phát sinh vấn đề. Theo đó, các nhà chuyên môn từ nhiều ngành cùng tập hợp để thực hiện dự án trong một khoảng thời gian ngắn dưới 1 tuần.
 (Nguồn: song moi.vn)