Anh Nguyễn Văn Hạnh, thợ lắp điện máy quê ở huyện Phú Xuyên đang tạm trú tại phường Bưởi (Tây Hồ) có lần tâm sự với chúng tôi: “Cứ đi qua hồ Tây hay mấy công viên ở Cầu Giấy mà thèm. Ở đó, thiết bị tập luyện thể thao công cộng rất phong phú và người tập luyện khá đông. Quê em chẳng biết bao giờ mới được lắp đặt, dù chỉ là vài thiết bị tập luyện. Nhà văn hóa thôn em mà có thiết bị tập luyện thể thao cộng đồng chắc sẽ đông người tập lắm”.
Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Mỹ Đức, bà Nguyễn Thị Thuyên khi đề cập đến vấn đề này ở Hội nghị tổng kết công tác Văn hóa-Thể thao 6 tháng đầu năm 2016 của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, đã nói rằng: Đang có sự chênh lệch về việc lắp đặt trang thiết bị thể thao cộng đồng ở Hà Nội. Ở các huyện nghèo, kinh phí nhà nước hạn chế, trong khi việc kêu gọi xã hội hóa lại khó thì việc lắp đặt thiết bị thể thao cộng đồng để phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân thực sự khó khăn. Ở Mỹ Đức sắp đưa vào sử dụng một vườn hoa công cộng ở khu vực trung tâm hành chính huyện. Cán bộ làm thể thao ở đây cũng muốn có vài bộ tập luyện thể thao cộng đồng, vốn đã quá quen mắt ở Cầu Giấy, Long Biên hay Tây Hồ, Ba Đình, song cũng chưa biết lấy nguồn kinh phí từ đâu. Không đòi hỏi, song bà Nguyễn Thị Thuyên cũng không giấu mơ ước sẽ sớm được thành phố quan tâm đầu tư thiết bị tập luyện thể thao cộng đồng ở địa phương mình. Từ đó sẽ tạo động lực để chính quyền, người dân cùng tìm cách để đầu tư cho mảng này.
Tâm tư của những người làm thể thao ở huyện Mỹ Đức cũng là tâm tư chung của nhiều cán bộ thể thao các huyện khác. Thực sự, việc lắp đặt thiết bị thể thao cộng đồng ở Hà Nội đang có sự chênh lệch đáng kể, trong đó việc kêu gọi xã hội hóa tại các quận nội thành dễ hơn hẳn các huyện ngoại thành. Thế mới có cảnh “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” trong câu chuyện lắp đặt thiết bị thể thao cộng đồng tại Hà Nội.
Còn để việc này thực sự trở nên cần thiết với các huyện, Phó vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) Phạm Đông Anh đã nói rằng, có lẽ cũng cần đặt ra tiêu chí xét chuẩn nông thôn mới là phải có số lượng cụ thể thiết bị tập luyện thể thao ở các nhà văn hóa thôn, xã. Ông Phạm Đông Anh cũng đặt ra hướng đi là không nhất thiết phải lắp đặt các thiết bị tập luyện đắt tiền mà chỉ cần những thiết bị đơn giản như: Tạ đúc xi măng, xà đơn, xà kép… hoàn toàn do nhân dân tự đóng góp rồi tự chế. Thế nên, bài toán lắp đặt thiết bị thể thao cộng đồng ở các huyện tại Hà Nội cũng không hẳn là không có lời giải. Ngoài sự quyết tâm, còn cần cả sự linh hoạt trong cách thực hiện.
HÀ NHẬT