(HNM) – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 369/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển TDTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây thực sự là “sợi chỉ đỏ” vạch ra chiến lược, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của thể thao Thủ đô.Hướng tới một xã hội tập luyện TDTT
“Tạo không gian thuận lợi để toàn xã hội tham gia tập luyện và phát triển TDTT, hướng tới xã hội tập luyện TDTT; xây dựng trung tâm TDTT quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn theo mô hình khuôn viên mở, bố trí đất thuộc các công trình công cộng và lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ thể thao cơ bản đáp ứng hoạt động TDTT quần chúng tại cộng đồng” – Đó là những nội dung quan trọng về phát triển phong trào TDTT được đề cập trong quy hoạch.
Phát triển thể dục – thể thao quần chúng góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. ( Ảnh: Đức Nghiêm)
Hướng tới mục tiêu nói trên, quy hoạch nêu rõ chỉ số về diện tích đất dành cho TDTT. Theo đó, tổng nhu cầu đất quy hoạch cho TDTT năm 2020 là 1.834ha, năm 2030 là 3.900-4.000ha. Đến năm 2020, đất dành cho hoạt động TDTT đạt chỉ số 2,3-2,5m2/người, đến năm 2030 khoảng 4m2/người. Mỗi quận, thị xã có tối thiểu 3-4ha và mỗi huyện có tối thiểu 6-7ha đất dành cho thiết chế TDTT tập trung, thuộc quận, huyện, thị xã quản lý. Mỗi phường có tối thiểu 0,3-1,0ha, mỗi xã có tối thiểu 1,5-2,0ha đất TDTT. Ưu tiên dành diện tích đất để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, diện tích đất xen kẹt cho hoạt động TDTT. Cùng với đó, đến năm 2020, tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (gồm SVĐ, nhà thi đấu, bể bơi). Quy hoạch cũng đặt mục tiêu mỗi trường mầm non có phòng tập và sân tập với diện tích khoảng 150-200m2, các trường phổ thông đều có sân tập, nhà giáo dục thể chất. Đến 2030, ngoài 3 công trình nói trên, toàn bộ quận, huyện, thị xã cần có thêm sân tập thể thao từng môn và khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em.
Đến 2030, toàn bộ quận, huyện, thị xã của Hà nội cần có thêm sân tập thể thao từng môn và
khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em.
Trong bối cảnh đất dành cho TDTT ngày càng bị thu hẹp do sức ép đô thị hóa, yêu cầu phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống, quy hoạch tạo tiền đề quan trọng để giữ đất dành cho TDTT, để sau này, khi có nguồn lực dồi dào, Hà Nội sẽ có sự đầu tư xứng đáng nhằm mục tiêu phát triển TDTT toàn diện. Quy hoạch thể hiện rất rõ quan điểm của Hà Nội là “phát triển TDTT là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần và lối sống của người dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Trong hệ thống chỉ tiêu phát triển, có những con số được đặt ra khá táo bạo. Ví dụ, với tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên, Thủ đô phấn đấu đạt mức 32-33% dân số vào năm 2015, 41- 42% dân số vào năm 2020, đạt 45- 46% dân số vào năm 2030. Về tỷ lệ gia đình thể thao, mục tiêu phấn đấu đạt 24 – 25% tổng số hộ vào năm 2015, 30 – 35% tổng số hộ vào năm 2020, 38-40% tổng số hộ vào năm 2030. Đây là những chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.
Mai Hoa (http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/659296/dinh-huong-tao-buoc-dot-pha)