Sân chơi cho trẻ em là thứ “xa xỉ” ở các thành phố lớn, khi mọi diện tích đều được tận dụng để bán hàng, đỗ xe… Nhưng với nỗ lực của mình, nhóm “Sân chơi trong phố” (Think Playgrounds) đã huy động cộng đồng chung tay tạo nên những sân chơi, mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Sau hơn hai năm hoạt động, nhóm bạn trẻ này đã thi công được 60 sân chơi ở nhiều vùng, miền trên cả nước. |
Những ngày đầu tháng 6 này, trẻ em phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có thêm một sân chơi rộng 300 m2 vừa được khánh thành trên địa bàn, với nhiều trò chơi như: thú nhún, hệ thống leo trèo, xích đu, cầu treo… Chị Nguyễn Thanh Thủy, ở phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Sân chơi không quá rộng, nhưng với chúng tôi đây là điều hết sức quý giá. Lâu nay, trẻ em thành phố rất thiếu chỗ chơi. Hè đến, bố mẹ phải đi làm, không phải lúc nào cũng đưa chúng đi chơi được. Và để cho trẻ không bị sa vào những tệ nạn xã hội, nhiều gia đình đã “giam” trẻ trong nhà, làm bạn với ti-vi, trò chơi điện tử cả ngày. Có sân chơi này, chúng tôi đỡ lo rất nhiều”. Sân chơi tại ngõ 1, phố Vọng Hà, phường Chương Dương là kết quả suốt một tháng thi công của các thành viên nhóm Sân chơi trong phố (244 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội), với sự hỗ trợ tài chính của tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge của Ca-na-đa và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Ở những đô thị lớn, việc xây dựng sân chơi của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình như một số phường trên địa bàn các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm…, dân số lên tới vài chục nghìn người, nhưng cả phường chỉ có từ vài chục, đến vài trăm mét vuông không gian công cộng. Thành phố đang xây dựng thêm những vườn hoa, công viên. Tuy nhiên, khoảng cách từ nhà đến những vườn hoa, công viên đó lại là một trở ngại, mà không phải em nhỏ nào cũng có cơ hội tìm đến. Dễ tiếp cận nhất với trẻ nhỏ là sân chơi trong các khu dân cư, nhưng các sân chơi này luôn bị chiếm dụng bởi các mục đích khác nhau, từ bán hàng, trông xe cho đến cầu lông, bóng đá dành cho người lớn… Hai bạn trẻ Chu Kim Đức và Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cùng chung ý tưởng tạo ra những không gian cho trẻ em trong thành phố. Nhưng phải đến khi gặp bà G.Han-xen (người Mỹ), ý tưởng này mới dần trở thành hiện thực. Bà G.Han-xen hướng dẫn các bạn trẻ cách thức để tạo sân chơi, đồng thời hỗ trợ kinh phí thực hiện. Những bạn trẻ này đã thành lập nhóm Sân chơi trong phố. Tìm được tiếng nói đồng thuận từ cộng đồng không phải điều dễ dàng, khi các không gian có thể làm sân chơi đều va chạm đến quyền lợi của nhiều người. Nhóm Sân chơi trong phố đã bắt đầu bằng việc xây dựng một sân chơi nhỏ cho trẻ em ở bãi giữa sông Hồng. Cha, mẹ các em đều là những người tạm cư lên Hà Nội kiếm sống, các em rất thiếu trò chơi, nhưng lại thừa… không gian. Với 14 triệu đồng từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và của các bạn trong nhóm đóng góp, một sân chơi nhỏ đã được tạo dựng. Đúng như mong muốn của hai thành viên sáng lập là Kim Đức và Quốc Đạt, thành công của sân chơi này đã “đánh thức” suy nghĩ của nhiều người. Mọi người nhận thấy sự thiệt thòi của trẻ em thành phố chính là không gian để hoạt động, vui chơi, nhất là trong dịp hè. Nhiều cộng đồng dân cư đã tìm cách “đòi” lại không gian công cộng, ví như sân chơi Khu tập thể Bộ Thủy sản (số 20, Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình). Sân chơi ở đây rộng chừng 150 m2 bị chiếm dụng từ lâu. Trong đó, có một quán phở tồn tại đến 20 năm. Khi lãnh đạo khu dân cư biết đến mô hình tạo sân chơi bằng vật liệu tái chế của nhóm Sân chơi trong phố, các bác đã triệu tập một cuộc họp và thống nhất sẽ giành lại sân chơi cho các em. Khi cả tổ dân phố đồng lòng, cử đại diện đến thuyết phục, chủ quán phở đồng ý dọn hàng vào trong nhà, các bác đã liên lạc với nhóm Sân chơi trong phố để thiết kế, thi công các loại thiết bị vui chơi phù hợp. Trẻ em khu tập thể đã có một sân chơi như mơ ước. Mặc dù vậy, việc đem tặng sân chơi cho cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn. Có những sân chơi hoạt động một thời gian thì người dân tìm cách dỡ đi, hoặc thu hẹp lại. Có những khu chung cư mới, chủ đầu tư hứa sẽ xây dựng sân chơi, nhưng đó chỉ là lời hứa “treo”. Người dân đề nghị nhóm Sân chơi trong phố làm sân chơi, nhưng không được sự đồng thuận của chủ đầu tư. Đó là trường hợp tại khu chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai) hay Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Nói về hoạt động của nhóm thành viên sáng lập Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết: “Nhóm Sân chơi trong phố hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, dùng doanh thu từ việc bán, thiết kế sân chơi cho các cơ quan, đơn vị vừa để duy trì thu nhập cho các thành viên trong nhóm, vừa có kinh phí để xây dựng sân chơi. Sân chơi trong phố là cầu nối giữa các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm với cộng đồng có nhu cầu xây dựng sân chơi. Một số tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp rất lớn trong xây dựng sân chơi cùng chúng tôi gồm: Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge), Hành động vì đô thị (ACCD), hay doanh nghiệp Hoàng Vũ chuyên làm đồ i-nốc… Chúng tôi thường tận dụng vật liệu tái chế, sau đó tự thiết kế, thi công để bảo đảm an toàn, bền vững”. Sau hơn ba năm hoạt động, hiện nhóm Sân chơi trong phố có 11 thành viên, nhóm đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội khác xây dựng thành công 40 sân chơi ở Hà Nội. Không chỉ tại Thủ đô, nhóm còn phối hợp các tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện khác xây dựng được hơn 20 sân chơi ở các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa như ở Hà Giang hay đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Có những sân chơi chi phí lên đến 65 triệu đồng như sân chơi mới khánh thành ở phường Chương Dương, cũng có những sân chơi giá thành chỉ khoảng 20 triệu đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của các bạn trẻ. Điều quan trọng hơn, từ hoạt động của nhóm, rất nhiều người đã thay đổi tư duy, quan tâm hơn đến nhu cầu được vui chơi của trẻ em. |
Giang Nam( Báo Nhân dân) |