Người bị huyết áp cao có thể dẫn đến đột qụy, bệnh tim, khối u trong huyết quản, suy thận… Thế nên, duy trì chỉ số huyết áp ở mức bình thường chính là chiến lược lâu dài đối với sức khỏe của mọi người.
Thế nhưng, chỉ số huyết áp chịu sự ảnh hưởng của đà tăng tuổi tác, chủng tộc và gen; đó là những tác nhân mà chúng ta không thể thay đổi được. Nhưng bằng cách kiểm soát một vài nhân tố có thể phòng ngừa rủi ro, mọi người hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong số các nhân tố gây nguy cơ tăng huyết áp, tuổi tác là vấn đề mà con người không thể can thiệp; tuổi càng cao thì chỉ số huyết áp cũng cao; phần lớn người già ở độ tuổi 60 trở lên đều xảy ra hiện tượng chỉ số huyết áp cao hơn bình thường.
Chỉ số huyết áp trung bình của một người khỏe mạnh nằm ở mức dưới 120/80mmHg, tức huyết áp tâm thu thấp hơn 120mmHg, huyết áp tâm trương thấp hơn 80mmHg; còn đối với người lớn tuổi, nếu chỉ số huyết áp có thể duy trì ở mức 130/90mmHg đã được xem là mức chấp nhận được. Nhưng một khi chỉ số huyết áp cao hơn con số nói trên thì nguy cơ mắc các loại bệnh bao gồm tai biến mạch máu não, bệnh tim… sẽ tăng lên.
Siêng vận động – huyết áp ổn định
Nguyên nhân chủ yếu khiến người dân sống ở đô thị gặp phải tình trạng tăng huyết áp là béo phì và lười vận động. Thế nên chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người hãy nghĩ đến sức khỏe của bản thân mà cố gắng hình thành thói quen tập thể dục; một là có thể giảm cân, hai là giúp duy trì chỉ số trung bình của huyết áp.
Dưới đây là các môn vận động có thể giúp tiêu hao 150calo:
* Đi bộ nhanh 1km trong vòng 15 – 20 phút
* Bơi 30 phút
* Đi xe đạp 1km trong 10 phút
* Leo cầu thang 15 phút
* Chơi bóng rổ 15 – 30 phút
* Chơi bóng chuyền 45 – 60 phút
* Chăm sóc vườn tược, trồng cây 30 – 45 phút
* Nhảy dây 15 phút
* Khiêu vũ 30 phút
Huyết áp và sức khỏe
Vận động có ảnh hưởng thế nào đến chỉ số huyết áp? Các chuyên gia dinh dưỡng giải thích:
* Chỉ cần vận động trong vòng nửa giờ đồng hồ, huyết áp của bạn có thể giảm xuống 5 – 7mmHg.
* Bài tập sức bền (hay còn được gọi là bài tập Aerobic) thời lượng 30 phút sẽ duy trì hiệu quả giảm huyết áp trong vòng 20 giờ.
* Cứ giảm được hai độ, tương đương 2mmHg chỉ số huyết áp thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ giảm đi 15%, nguy cơ bị bệnh tim mạch vành giảm 8%.
Những lợi ích khác của vận động
Ngoài tác dụng hạ chỉ số huyết áp, vận động còn mang lại cho mọi người các lợi ích sau:
* Làm tăng hàm lượng Cholesterol tốt trong máu (High Density Lipoprotein viết tắt là HDL).
* Giảm mức Triglyceride, thường được biết đến bằng cái tên: chất béo trung tính.
* Ổn định chỉ số đường huyết.
Vận động nhiều giúp giảm lượng thuốc cần uống
Một khi bạn bắt đầu chịu vận động, đồng nghĩa với việc bạn đã bước một bước lớn cho sức khỏe của bạn, sau đó tiếp tục thay đổi một số thói quen không lành mạnh trong cuộc sống thì sức khỏe của bạn sẽ ngày càng được cải thiện. Ví dụ, nếu bạn là người hút thuốc, việc từ bỏ thói quen tai hại này sẽ ngăn chặn sự gây hại của thuốc lá lên tim mạch, giảm thiểu tổn hại lên chức năng của phổi, ngoài ra chỉ số huyết áp của bạn cũng sẽ được cải thiện.
Nếu bạn đã phải nhờ đến thuốc men để kiểm soát chỉ số huyết áp thì việc cai thuốc lá có thể giúp giảm bớt lượng thuốc phải uống, thậm chí còn có khả năng đưa chỉ số huyết áp về mức bình thường mà không cần uống thuốc. Các công trình nghiên cứu cho kết quả, người có huyết áp cao tập thể dục điều độ thì tỷ lệ thương vong sẽ giảm thiểu; trái lại những người đã bị huyết áp cao mà còn không vận động thì tuổi thọ sẽ ngắn lại.
Trước khi bắt đầu vận động, người cao huyết áp nên hỏi ý kiến bác sĩ, xem môn thể thao nào phù hợp với mình, nhằm tránh các rủi ro có thể gặp phải do vận động quá sức và quá dài.
Vài gợi ý nhỏ cho việc tập thể dục:
* Các môn thể thao càng sôi nổi, mạnh mẽ thì nhiệt lượng được tiêu hao càng nhiều, thời gian cần tập cũng ít lại.
* Nên bắt đầu từ các môn thể thao bản thân yêu thích, nếu không sẽ khó mà duy trì.
* Những người mới bắt đầu vận động mỗi tuần nên tập hai lần, mỗi lần nửa giờ; sau đó tăng lên mỗi tuần ba lần rồi mới tăng đến 5 – 7 lần một tuần.
* Mỗi tuần vận động ba lần, mỗi lần 30 phút mang lại hiệu quả cao hơn so với tần suất mỗi tuần tập một lần, mỗi lần 1,5 giờ đồng hồ.
* Nếu sau khi vận động xuất hiện tình trạng đau nhức, choáng váng hoặc không thích ứng một cách nghiêm trọng thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra.
LIÊN ANH