Hè đến, trẻ chơi ở đâu?

Hè về là khoảng thời gian các em học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi. Nhiều gia đình ở thành thị, cha mẹ đi làm cả ngày không có ai chăm sóc con nên trẻ thường được gửi đến các lớp học hè, lớp học năng khiếu…giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng sống. Còn ở nông thôn, gia đình khó khăn, chỗ vui chơi thì ít khiến tuổi thơ của các em trở nên nhạt nhòa, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Buổi thực hành vẽ dã ngoại của trẻ tại Cung thiếu nhi Hà Nội

Vừa mới chớm hè là các bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi thiếu nhi lại lo tìm chỗ chơi, chỗ học cho lũ trẻ. Trong khi chỗ chơi thì ít mà lại phải đi làm cả ngày nên các phụ huynh thường hướng đến giải pháp cho con đi học ở các lớp năng khiếu, ngoại ngữ, chương trình rèn luyện kỹ năng sống…tại trung tâm thiếu nhi. Bởi cho con đi học tại đây vừa có người “bảo hộ”, giám sát lại vừa giúp các em rèn luyện bản thân, phát triển năng khiếu, nâng cao kiến thức.

 Tại Hà Nội, các lớp học tại Cung thiếu nhi (36-38 Lý Thái Tổ) luôn được các phụ huynh quan tâm, tìm hiểu. Hàng năm, Cung Thiếu nhi thu hút gần 30.000 lượt học sinh đến tham gia học tập và hơn 100.000 lượt học sinh tham gia vui chơi, sinh hoạt. Từ ngày 15/5-30/6, Cung thiếu nhi sẽ bắt đầu chiêu sinh và từ ngày 2/6, các hoạt động hè dành cho thanh, thiếu niên sẽ chính thức hoạt động.

 Với hơn 50 bộ môn thuộc 6 lĩnh vực nghệ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ, kỹ thuật công nghệ, giáo dục tổng hợp có mức học phí dao động từ 450.000-1.700.000 đồng/khóa, phụ huynh có thể thoải mái lựa chọn lớp học phù học cho con em mình. Thêm vào đó, bên cạnh các bộ môn thuộc thế mạnh truyền thống của trường như Organ, múa, vẽ, kỹ năng sống, luyện chữ đẹp, tin học…thì năm nay, Cung thiếu nhi sẽ có thêm một số bộ môn mới giúp các em rèn luyện tính kiên trì, khéo léo, phát huy khả năng sáng tạo như “Bé làm đồ chơi bằng vải”, “Điện – điện tử”, mô hình lắp ráp Huna…

 Tương tự, tại TP.HCM nhiều Nhà thiếu nhi của quận cũng tổ chức các lớp, trại hè rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các lớp năng khiếu…cho các em. Từ nay đến 30/5, Nhà thiếu nhi TP.HCM (phường 7, quận 3) “mở cửa” nhiều lớp học đa dạng như võ thuật, cờ vua, thể dục nhịp điệu, múa hiện đại, đàn, hội họa…; chiêu sinh các em trong độ tuổi từ 4-15 với học phí từ 130.000-350.000 đồng/khóa hè. Hay tại Nhà thiếu nhi Q.Phú Nhuận cũng khai giảng nhiều lớp học hè cho các em từ 5-15 tuổi từ ngày 1/6 với mức học phí 100.000-300.000 đồng/tháng. Nhà thiếu nhi quận 11 cũng bắt đầu mở các lớp học hè cho trẻ từ 7-15 tuổi từ ngày 5/6-20/8 với mức học phí cũng chỉ dao động từ 100.000-250.000 đồng/tháng.

 Ngoài ra, với một số gia đình khá giả, hè về họ thường đăng ký cho con đi du học hè ở nước ngoài vừa mở mang hiểu biết, được đi du lịch, vừa nâng cao khả năng ngoại ngữ. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhiều tour du học hè cũng đã được các trung tâm mở ra và tổ chức. Thế nhưng thời gian cho những chuyến đi này chỉ từ 2-6 tuần, thậm chí có tour chỉ 1 tuần với giá không hè rẻ. Chẳng hạn như hành trình 7 ngày trại hè tại Singapore đã ngót ngét gần 30 triệu (chưa bao gồm lệ phí thị thực); học 4 tuần tại Trại hè SMEAG Philippines khoảng 60 triệu…

 Trong khi lũ trẻ thành thị, gia đình có điều kiện thì được bố mẹ cho đi học các lớp học hè trong hoặc ngoài nước. Còn với trẻ em ở nông thôn, chuyện tới các lớp học hè để rèn luyện bản thân, phát triển năng khiếu cũng chỉ là mơ ước. Thậm chí, chỗ chơi cho các em trong dịp hè cũng “khan hiếm”. Em Tiến Dũng (học lớp 7, trú tại Đông Hưng, Thái Bình) cho biết “cho dù hè được nghỉ học, không phải làm nhiều bài tập nhưng em cũng chẳng vui bởi quanh nhà em không có chỗ nào chơi. Bố mẹ sợ em đi lung tung, hay bị bạn bè rủ rê đi chơi xa nên thường khóa cửa để em chơi ở nhà”.

Thiếu chỗ chơi nên nhiều trẻ em tại nông thôn thường rủ nhau đi chơi ở sông, suối

 Nhiều gia đình khó khăn, ngay cả tiền học phí đóng ở trường trong năm học cho các em cũng đã phải chật vật tìm cách xoay xở. Thế nên hè về các em cũng chỉ có thể quanh quẩn quanh sân nhà, mảnh vườn nhà mình. Không có nơi vui chơi, lại chán ở nhà, nhiều em đã rủ nhau chơi thả diều xung quanh nhà mình; tận dụng ngã ba, ngã tư để đá bóng, chơi cầu lông hoặc rủ nhau đi tắm sông, suối. Điều đáng nói là các em chơi các trò chơi ở những địa điểm này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi có thể bị điện giật khi diều mắc vào dây điện; có thể bị đuối nước khi tắm sông, suối mà không có người lớn giám sát…

 Một trong những nguyên nhân khiến vùng nông thôn thiếu sân chơi cho trẻ em bởi nhiều làng xã đang bị đô thị hóa hoặc bê tông hóa với tốc độ “chóng mặt”. Người ta lấy đất để xây công xưởng, trở thành bãi gửi xe, nơi buôn bán…khiến trẻ em mất dần đi sân chơi của mình. Ngoài ra, dù nhiều nơi cũng có nhà văn hóa của thôn nhưng lại thiếu sách báo, văn phòng phẩm, đồ chơi…khiến trẻ không “mặn mà” mà lại tự bày ra trò chơi cho mình ở những nơi nguy hiểm.Không chỉ có vậy, do không có ai quản lý nên nhiều em còn tìm đến những hàng game online trong vùng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành tính cách, lối sống của các em.

Hè về những tưởng lũ trẻ con sẽ được dịp vui chơi nô đùa thoả thích sau một năm học tập gò bó, thế nhưng không gian vui chơi vừa thiếu lại tẻ nhạt khiến cho lũ trẻ lại bị người lớn bắt ép đi học thêm, nhiều đứa chỉ muốn chạy nhảy cũng bị gò vào lớp học năng khiếu. Trẻ em thành thị đã vậy, ở nông thôn cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy, cảnh trẻ con bị nhốt trong nhà vẫn thường xuyên xảy ra. Mùa hè giờ không còn   vui như xưa, mà thậm chí còn là nỗi lo “sốt vó” của người lớn khi không có ai trông con, sợ chúng nghịch dại. Vậy là nhiều gia đình lại nhờ đến TV, iPad, trò chơi điện tử để giữ chân lũ trẻ trong nhà và tuổi thơ cứ thế trôi đi, bí bức trong những màn hình chữ nhật như thế.

(Nguồn: songmoi.vn)