(VIVADO – 2013) Vui chơi giải trí là một nhu cầu văn hóa không thể thiếu của con người, đặc biệt đối với trẻ em. Các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất theo quy luật của cái đẹp. Tuy nhiên vấn đề sân chơi cho trẻ em hiện nay không chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, nó đang trở thành vấn đề ở tầm quốc gia.
Sân chơi cho trẻ em đang thiếu trầm trọng
Nước ta có khoảng 23,63 triệu trẻ em, chiếm 27,5% dân số, trong đó 1,53 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số lượng trẻ em tăng dần theo từng năm (dự báo sau năm 2020 tỷ lệ dân số trẻ em sẽ tăng lên 30%) . Trong khi đó, số lượng điểm vui chơi, giải trí tăng không đáng kể. Năm 2003, hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện là 274, năm 2005 tăng lên 304, năm 2008 tăng lên 307. Hiện cả nước mới có khoảng 148 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 770 điểm vui chơi cấp huyện, khoảng 4.200 điểm vui chơi cấp xã, phường, 3.673 nhà văn hóa cấp xã, 37.134 nhà văn hóa thôn, bản.
Điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em đã ít lại phần lớn tập trung ở thành thị nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Tại Hà Nội mấy năm qua, số lượng điểm vui chơi dành cho trẻ em vẫn dậm chân tại chỗ vẫn chỉ là mấy điểm như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất… Cũng vì địa điểm vui chơi hiếm hoi như vậy nên chỗ nào cũng quá tải, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ.
Còn ở TP.HCM, khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học (từ 6 – 12 tuổi) rất cần sân chơi. Tuy nhiên, ngay tại nhiều trường tiểu học, cái gọi là sân chơi lại rất nghèo nàn phương tiện để chơi. Thậm chí, có người nghĩ đơn giản sân chơi là một khoảng đất trống dành cho các em muốn chơi gì thì chơi. Sân chơi đúng nghĩa ở các trường tiểu học vừa thiếu, vừa hạn chế các trang thiết bị. Nhưng những điểm vui chơi – giải trí khác bên ngoài trường học dành cho trẻ em cũng quá ít. Theo số liệu mà Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết thì hiện thành phố mới có 17 điểm vui chơi – giải trí và công viên có quy mô lớn nên vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi rất lớn của trẻ em.
Cũng có một thực tế đáng buồn là không ít cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em được đầu tư trang thiết bị đã lâu, nay đang bị xuống cấp, hư hỏng nhưng không có nguồn kinh phí để sửa chữa. Và, cũng có không ít cơ sở vui chơi, giải trí cho các em tại các địa phương mới được xây khang trang nhưng do không có đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị nên không đưa vào sử dụng được. Hiện tượng khu vui chơi cho trẻ em bị bỏ hoang có ở không ít địa phương như: xã Hòa Phước (Quận Hòa Vang, Tp Đà Nẵng), thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), thị trấn Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang)…
Hệ lụy từ việc thiếu sân chơi lành mạnh
Các nhà khoa học trên thế giới đều nhất trí rằng, trẻ em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện một phần là nhờ tham gia các hoạt động vui chơi – giải trí phù hợp.
Tuy nhiên thực tế như đã nói ở trên, các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, nếu muốn vui chơi, các em cũng không biết chơi gì, chơi ở đâu. Thiếu nơi vui chơi, giải trí là một trong những lý do dẫn đến một bộ phận trẻ em hư hỏng, tụ tập đánh nhau, hoặc say “game” quên ăn, quên học…
Ở vùng nông thôn, miền núi, các em phải tự tìm sân chơi cho mình với những trò chơi thường là đá cầu, nhảy dây, bắn bi … hoặc rủ nhau tắm ở sông, suối, hồ, ao; chơi ở ven đường quốc lộ đi qua thôn với nhiều nguy hiểm rình rập khi không có sự giám sát của người lớn.
Còn tại thành phố, dường như có nghịch lý là thành phố càng mở rộng, càng hiện đại thì sân chơi càng thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình xây dựng nhà chung cư, các khu biệt thự, khu công nghiệp… Do không có sân chơi, nhiều em đã dùng vỉa hè làm sân bóng, sa đà vào các trò chơi nguy hiểm, hay game online không lành mạnh cũng là điều dễ hiểu.
Những con số biết nói khiến chúng ta phải giật mình: Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, trong vòng 5 năm (2005-2009), tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 36.130 trẻ, trung bình mỗi tháng có khoảng 586 trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích. Năm 2010 tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích là 875/100.000 trẻ. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong do tai nạn thương tích, sau đó đến tai nạn giao thông, bỏng.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, thậm chí tử vong; một số học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn rồi quay clip tung lên mạng; tình trạng trẻ em bỏ học hoặc trốn học tụ tập thành “băng, nhóm”, sử dụng hung khí gây ra không ít vụ án nghiêm trọng đang là mối quan ngại của toàn xã hội. Hầu hết những em này khi được hỏi đều trả lời do bắt chước những nhân vật “siêu nhiên” trong thế giới game, không có sự định hướng của người lớn hoặc chẳng có trò chơi gì bên ngoài nên “đành” vào quán Internet “giải trí” với những “trò chơi đen”…
Tác hại của việc thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ em thì mọi người đã rõ. Trong bài phát biểu tại Quốc hội phân tích sâu sắc về nguyên nhân tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội đang gia tăng, Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng chỉ ra một nguyên nhân có mối liên hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ gia tăng tội phạm trong thanh thiếu niên với việc thiếu những nơi vui chơi, giải trí cho lứa tuổi này, cũng như thiếu những công cụ để giáo dục thanh thiếu niên một cách toàn diện. Tại các khu đô thị, các huyện, các tỉnh, nhà thiếu nhi không phải nơi nào cũng có; có nơi có địa điểm nhưng lại không dung nạp được nhu cầu của giới trẻ.
Ở các trường học, chỗ học cũng còn thiếu nên nơi vui chơi càng thiếu hơn, như vậy không đủ các điều kiện để giáo dục ngoài giờ, giáo dục kỹ năng, giáo dục đạo đức và các sinh hoạt cộng đồng tập thể khác. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý một số bạn trẻ. Có thể đây là nguyên nhân tỷ lệ rối nhiễu tâm lý của thiếu niên VN cao nhất thế giới. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ rối nhiễu tâm lý trong trẻ em ở VN khoảng 22%, trong khi đó ở Mỹ, Nhật Bản chỉ khoảng 11-13%, Trung Quốc cũng chỉ khoảng 11%. Chính việc rối nhiễu tâm lý này là nguyên nhân tiềm ẩn của những hành động bộc phát, dẫn đến hành vi phạm tội.
Tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký công ước về quyền trẻ em. Mà quyền trẻ em không thể thiếu là quyền được vui chơi, giải trí. Việc chuẩn hóa sân chơi cho trẻ em được đề cập trong các quy phạm pháp luật. Quyết định 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.
Cho các em nhỏ tham dự các hoạt động văn hoá – văn nghệ, thể dục – thể thao trong những ngày hè là lựa chọn của nhiều bậc cha mẹ. Vì vậy, cần mở nhiều lớp học kỹ năng cho các em như võ thuật, cờ vua, bóng đá, bơi, thể dục nhịp điệu, thanh nhạc, organ, guitar, piano, múa, mỹ thuật; các chương trình đào tạo kỹ năng khám phá, thể hiện cảm xúc, giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết trình…
Không chỉ cho trẻ vui chơi, giải trí bằng các trò chơi, môn học yêu thích, nhiều gia đình còn tổ chức những chuyến về nguồn. Đây là dịp để các em tham quan di tích, tìm hiểu lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước. Xu hướng đưa con về quê nghỉ hè được nhiều bậc phụ huynh ở thành phố lựa chọn nhằm giúp các em nhỏ cảm nhận được sự vất vả của người nông dân để biết quý trọng công sức lao động của cha mẹ, từ đó có ý thức hơn trong việc học hành, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó, thư viện cũng là điểm đến lý thú của thiếu nhi. Đầu tư cho các thư viện tỉnh là một mục tiêu quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hoá thôn, cụm dân cư để các em giao lưu, kết bạn, tham gia các hoạt động xã hội, giúp các em có điều kiện hiểu biết thêm về cuộc sống.
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em…
Để thực hiện thành công phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự quan tâm của chính quyền địa phương; có những chính sách bắt buộc các khu đô thị, các trung tâm thương mại phải có khu vực vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em…
Trẻ em Việt Nam đang cần lắm những sân chơi lành mạnh, bổ ích để có cơ hội phát triển toàn diện. Đã đến lúc, trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ không chỉ dựa hết vào Nhà nước mà cần phải được xã hội hóa. Và Nhà nước cũng nên thực sự tạo điều kiện để các cá nhân, đơn vị có năng lực, tâm huyết đầu tư xây dựng những sân chơi tốt nhất cho trẻ em.