QĐND Online – Từ thập niên 60-70 của thế kỷ 20, Hà Nội đã cho xây dựng một loạt các khu tập thể như Kim Liên, Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ…, kèm theo đó là những sân chơi chung để người dân sinh hoạt cộng đồng. Những sân chơi này thường nằm giữa hai tòa nhà, được trồng nhiều cây xanh, xung quanh đặt ghế đá để người già ngồi hóng mát nghỉ ngơi, còn có xích đu, cầu trượt để trẻ em vui đùa. Tuy nhiên, sau gần nửa thế kỷ, dưới sức ép của đời sống đô thị hiện đại, các sân chơi này đang dần bị “xóa sổ”.
Với đặc điểm gần ngay sát chợ Thành Công, khu sân chơi tập thể trước dãy nhà B5 từ lâu đã bị biến thành nơi buôn bán, họp chợ của các tiểu thương; cách đó không xa, các khoảng sân khác cũng được tận dụng làm nơi bán hàng ăn uống, chè cháo… Từ sau khi lệnh cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố trong nội thành Hà Nội được thực thi thì đây lại trở thành nơi lý tưởng để nhiều cá nhân tự ý nhận trông giữ xe ngày và đêm.
Sân chơi khu tập thể Thành Công chuyển thành chợ Thành Công “mở rộng”.
“Bãi trông giữ xe hoạt động 24/24 giờ khiến bữa ăn, giấc ngủ của các gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Đến bữa ăn phải đóng kín hết cửa để tránh mùi xăng, khói, bụi. Bất an nhất là vào ban đêm, khi xe cộ đi về muộn, tiếng động cơ ầm ĩ rồi tiếng người nói chuyện ồn ào… người già và trẻ nhỏ rất hay bị mất giấc ngủ” – bà Tám ở khu tập thể Thành Công cho biết.
Khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông gần hồ của khu tập thể Giảng Võ nay cũng biến dạng thành khu phố bán cà phê, ốc luộc. Tấm biển lớn màu xanh được chính quyền phường Giảng Võ đặt ngay giữa nhà B1 với các quy định cấm ở sân chơi tập thể cũng không hề có tác dụng đối với các quán ốc luộc, quán cà phê san sát, tấp nập người ra vào.
Còn ở KTT Kim Liên sân chơi biến thành quán bia hơi.
Đi dạo quanh một vòng các khu tập thể lớn tại Hà Nội như Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, thật khó để nhận ra hình thù của các sân chơi tập thể ở những nơi này. Những chiếc đu quay, cầu trượt bẩn thỉu, hoen gỉ được xếp vào một góc sân. Diện tích còn lại nếu không để họp chợ, bán cà phê, bia hơi, bún phở thì cũng bị chiếm dụng làm nơi trông xe, rửa xe, cắt tóc – gội đầu… hoặc để chất đống những thứ đồ bỏ đi. Điều ngạc nhiên là, dù các sân chơi tập thể bị chiếm dụng công khai nhưng nhiều nơi, chính quyền sở tại vẫn làm ngơ hoặc vô tình tiếp tay cho các tiểu thương trong việc chiếm dụng không gian chung này.
Thiết nghĩ, sân chơi tập thể là nơi nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt thể chất, tinh thần lành mạnh không thể thiếu được ở những khu dân cư đông đúc; chính quyền các cấp của TP Hà Nội cần nhanh chóng giải quyết thực trạng này, sớm trả lại đúng công năng cho sân chơi tập thể
Bài, ảnh: Quốc Cường ( Báo QĐND Online)