Em Nguyễn Thu Trang (HS lớp 5A, Trường Tiểu học Việt Hưng):
– Gần nhà em có một vườn hoa với rất nhiều trò chơi như đi tàu hỏa, câu cá, cưỡi thú nhún, cầu trượt… Dịp cuối tuần, em cùng bạn bè thường ra đó vui chơi. Nhiều trò chơi có thu tiền nhưng giá khá rẻ, chỉ 5.000 – 10.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, do sử dụng khá lâu rồi nên nhiều đồ chơi đặt ở ngoài trời đã cũ nát. Thú nhún điện bị tróc sơn, lòi sợi dây điện ra ngoài; cầu trượt làm bằng bê tông nham nhở đá, sỏi, có những góc cạnh rất sắc. Những chiếc xích đu, đu quay không còn chắc chắn. Nhiều bạn sơ ý xô đẩy nhau, va vào các cạnh bê tông, bị chảy máu. Em rất sợ bị đau, nhưng bạn bè rủ thì vẫn thích đi chơi. Chắc chỉ cần cẩn thận một chút là sẽ không gặp chuyện gì đâu.
Em Trần Văn Minh (HS lớp 9A5, Trường THCS Đống Đa):
– Em thấy ở hầu hết khu tập thể, chung cư đều có vài chiếc xích đu, cầu trượt… Với các khu chung cư cao cấp mới xây, các loại đồ chơi khá mới và hiện đại. Nhưng ở các khu tập thể cũ thì các loại đồ chơi này chủ yếu là xây bằng bê tông, có thứ làm từ cách đây hàng chục năm, cũ kỹ đến nỗi em chẳng bao giờ dám lại gần. Nhưng nhiều bạn hầu như ngày nào cũng đến đó vui chơi, có lẽ bởi không mất tiền như khi đến trung tâm giải trí hoặc công viên. Tại sao người lớn không sửa chữa cho chúng em nhỉ?
Cô Nguyễn Thị Lan (phụ huynh HS, ngõ 153 Kim Mã, Hà Nội):
– Sân chơi ngoài trời với các trang thiết bị giải trí, đồ chơi sẽ góp phần phát triển trí lực, thể lực toàn diện cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều lần cho con đi, tôi thấy lo. Ở Hà Nội, có nhiều trẻ em nhưng số sân chơi lại ít. Điểm vui chơi tập trung tại các trung tâm thương mại, siêu thị, công viên. Các khu dân cư mới, khi quy hoạch đều có đất dành cho vui chơi giải trí, nhưng thiết bị, đồ chơi khá đơn điệu, không đủ. Phần lớn thiết bị phục vụ trẻ vui chơi ở các khu tập thể trước đây đã xuống cấp. Tôi rất mong ban quản lý các khu dân cư cố gắng tu bổ, sửa chữa lại. Nếu lắp đặt mới thì nên nghiên cứu các mẫu đồ chơi bảo đảm an toàn và nên có người giám sát khi các em vui chơi.