Hà Nội ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa

Việc thiếu sân chơi cho trẻ em trên địa bàn Hà Nội – nhất là về mùa hè là vấn đề nổi cộm trong thời gian dài. Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, các đại biểu HĐND TP đã đưa vào phiên chất vấn.

Theo các đại biểu HĐND, tình trạng trẻ em tại các khu dân cư không có nơi vui chơi. Các thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở hầu hết không thiết kế các điểm vui chơi cho trẻ em. Các cơ sở văn hóa tư nhân thường xa khu dân cư và thu giá dịch vụ cao, không phải nơi vui chơi thường xuyên của trẻ. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và thể lực của trẻ. Cử tri đề nghị UBND TP chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm và nêu các giải pháp khắc phục cụ thể.

Báo cáo về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, GĐ Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội cho biết, qua rà soát sơ bộ toàn TP hiện có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô lịch sử có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ). Trong thời gian qua, việc chỉ đạo đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã được TP quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, nhu cầu khu vui chơi riêng cho trẻ em còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng. Hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi (sân chơi, vườn hoa) cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu-đặc biệt là khu vực các quận nội đô, khu đô thị cũ. Tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em.

14.07.2015_bb_1436875696Hà Nội còn thiếu nhiều sân chơi cho trẻ em.     Ảnh minh họa

Để khắc phục thực trạng này đối với khu vực nội đô, theo ông Hùng khó nhất là không có quỹ đất. Giai đoạn trước mắt phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa, kể cả sân chơi nhỏ. Đây là thực trạng chưa thể khắc phục ngay được. UBND TP đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi.

Trong đó, Sở Quy hoạch-kiến trúc phải xác định quỹ đất công cộng cấp đơn vị ở (trong đó có sân chơi trẻ em) tại các dự án đầu tư cải tạo, tái thiết tại các đô thị cũ, thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường ngay từ bước lập quy hoạch. Bố trí khai thác quỹ đất sau khi di dời; UBND các quận kiểm tra, rà soát các sân chơi bị chiếm dụng để có biện pháp giải tỏa, thu hồi đồng thời với việc bổ sung trang thiết bị dành cho các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong khu dân cư, khu tập thể. Sở Kế hoạch-Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Văn hóa-thể thao và du lịch, Giáo dục và đào tạo nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đối với các dự án sân chơi, vườn hoa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Đưa nội dung xây dựng và quản lý sân chơi cho trẻ em là một nội dung của thiết chế văn hóa.

Về thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư xã hội hóa vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô theo Nghị quyết của HĐND TP, thời gian qua UBND TP đã ban hành quy định riêng về vấn đề này. Kết quả, trong số các dự án được phê duyệt để công bố kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa, lĩnh vực văn hóa, công viên vườn hoa có 3 dự án. Ngoài ra, trên địa bàn TP có 26 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, khu vui chơi thể thao với diện tích chiếm đất khoảng 21,47 ha, tổng mức đầu tư dự kiến các dự án khoảng 1.700 tỷ đồng đã được UBND TP phê duyệt chấp thuận địa điểm, chấp thuận đề xuất dự án hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng như tiến độ kêu gọi đầu tư, UBND TP đã giao cho các Sở, ngành liên quan tập trung triển khai và hoàn thành việc xây dựng các cơ chế, quy chế và các văn bản hướng dẫn một cách đồng bộ; phê duyệt danh mục, công bố kêu gọi đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô; rà soát, đề xuất UBND TP để báo cáo HĐND TP xem xét điều chỉnh một số chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa. Tất cả các nhiệm vụ này được giao hoàn thiện, báo cáo UBND TP trong quý 3 và 4-2015.

    Vân Hà((PL&XH))