Ngày hè lại thiếu sân chơi cho trẻ

Hè là khoảng thời gian dành cho các em thiếu nhi nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập đầy căng thẳng, vất vả. Hầu hết các em đều mong muốn có được những sân chơi thiết thực, bổ ích. Tuy nhiên, ở Hà Nội hiện nay, các sân chơi hè cho thiếu nhi vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Thiếu vườn hoa, sân chơi là thực tế đã diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội. Theo quy hoạch; các phường, xã đều có quỹ đất hợp lý để làm khu vui chơi cho thiếu nhi. Tuy nhiên; phần lớn các điểm vui chơi đều bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi kinh doanh, buôn bán hoặc xuống cấp trầm trọng. Điển hình là các sân chơi ở các khu tập thể cũ như Thanh Xuân Bắc, Trung Tự, Kim Liên, Thành Công, Nghĩa Tân,…

Bà Nguyễn Thị Mật (Khu tập thể Trung Tự, phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP Hà Nội) chia sẻ: “Sân chơi bẩn thỉu, rác lâu không có người quét. Đồ chơi rất lâu rồi không được thay đổi, nếu không đứt gãy thì cũng bong sơn. Vì lẽ đó mà hầu như không có ai đưa con ra đây chơi cả.”.

 

Có nơi vui chơi là quyền của trẻ em. Ảnh minh họa

Không chỉ ở các khu tập thể cũ, tình trạng này cũng xảy ra tại các khu chung cư mới ở Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính, Huỳnh Thúc Kháng, Văn Khê,…Mặc chủ đầu tư luôn quảng cáo về các tiện ích đi kèm như khu vui chơi công cộng rộng rãi dành cho trẻ em; khoảng sân dưới các tòa nhà vẫn bị biến thành bãi trông giữ ô tô, xe máy cho khách vào siêu thị, ngân hàng, nhà hàng.

Hà Nội đang phát triển chóng mặt với những tòa nhà “chọc trời”, khu chung cư, khu giải trí chất lượng cao,…mọc lên như nấm. Tuy nhiên, sân chơi cho thiếu nhi vẫn đang thiếu hụt trầm trọng. Các bậc phụ huynh tìm mỏi mắt cũng chỉ thấy mấy địa điểm như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên Cầu Giấy, Công viên Lê Nin, Công viên Nghĩa Đô,…

Chị Phạm Thị Dung (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình ở gần công viên Thống Nhất. Do con còn bé, đi lại phức tạp mà xung quanh cũng không có chỗ vui chơi nào cho trẻ em nên chiều muộn hàng ngày mình thường đưa con vào đây dạo. Ở đây rất thiếu trò chơi, đặc biệt là các trò chơi bổ ích. Bên cạnh đó, không gian vẫn giữ nguyên khung cảnh từ nhiều năm trước, không có gì thay đổi.”.

Công bằng mà nói ở Hà Nội có không ít khu vui chơi chất lượng cao dành cho trẻ em, nhưng giá một lần vào cửa lại không hề rẻ. Chẳng hạn như giá vé vào khu vui chơi dành cho trẻ em không giới hạn thời gian, không áp dụng đối với các trò chơi bằng xu ở Aeon Mall Long Biên (phường Long Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) là 120.000 đồng/em; ở Lotte Center (phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là 50.000 – 100.000 đồng/em. Dễ dàng nhận thấy, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để thường xuyên cho con em mình đến đây vui chơi.

Không chỉ ở các khu tập thể cũ, tình trạng này cũng xảy ra tại các khu chung cư mới ở Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính, Huỳnh Thúc Kháng, Văn Khê,…Mặc chủ đầu tư luôn quảng cáo về các tiện ích đi kèm như khu vui chơi công cộng rộng rãi dành cho trẻ em; khoảng sân dưới các tòa nhà vẫn bị biến thành bãi trông giữ ô tô, xe máy cho khách vào siêu thị, ngân hàng, nhà hàng.

 

Điều này, dẫn đến tình trạng bất kỳ chỗ trống nào ở ngõ ngách, vỉa hè, đường phố,…cũng có thể trở thành chỗ vui chơi tạm bợ cho trẻ em dù những nơi này luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hiểm. Phần vỉa hè ngay đầu phố Đào Tấn có diện tích rất lớn từ lâu đã trở thành sân chơi cho trẻ nhỏ. Cứ đến giờ tan tầm, trong khi các phương tiện giao thông đang chạy nườm nượp dưới lòng đường thì các em lại vô tư rủ nhau chơi đá bóng. Chắc hẳn, bất cứ ai khi nhìn thấy những hình ảnh ấy đều không khỏi cảm thấy thất kinh bởi chỉ cần sảy chân để bóng lăn xuống lòng đường, rất có thể sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân các em.

Bên cạnh đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thiếu sân chơi an toàn và lành mạnh không chỉ dẫn tới những nguy hiểm khó lường như tai nạn giao thông, đuối nước, bắt cóc,… mà còn vô hình chung đẩy các em vào các trò chơi trên mạng internet. Ngày hè không phải đi học, không có chỗ chơi. Các em cố thủ trong những căn phòng chật hẹp và dán chặt mặt vào những chiếc smartphone, ipad. Ít vận động, chỉ được giải trí qua các phương tiện nghe nhìn làm các em lười giao tiếp với mọi người, sống thu mình, khép kín, ngôn ngữ chậm phát triển, bạo lực học đường và các vụ trẻ em vi phạm pháp luật ngày càng nhiều, gây bức xúc trong xã hội.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Trẻ em luôn xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Để giúp các em thiếu nhi có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần thì việc tạo ra các sân chơi là vô vùng cần thiết; đòi hòi các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt. Tiến hành rà soát, bổ sung cũng như giám sát việc thi hành các chính sách hay quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời kiên quyết giải tỏa những diện tích đất chung đang bị chiếm dụng, trả lại không gian sinh hoạt lành mạnh cho các em. Đối với các sân chơi có sẵn; cần cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị,…làm phong phú thêm các hoạt động vui chơi.

Phạm Thảo(Baomoi.com)