Dân Thủ đô hào hứng tập thể dục bằng thiết bị thể thao ngoài trời

Chương trình lắp đặt thiết bị thể thao công cộng tại một số khu vực ở Hà Nội đang được người dân Thủ đô ủng hộ nhiệt tình bởi lợi ích nó mang lại rất lớn.

Xu thế xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng như việc tập luyện thể dục thể thao của người dân ngày càng được quan tâm, nhất là đối với người dân ở các thành phố lớn. Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu này, thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lắp đặt các thiết bị thể thao ở một số nơi công cộng như vườn hoa, công viên và mô hình này bước đầu phát huy được tác dụng đối với người dân…

Mô hình hay, hiệu quả tích cực

Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã triển khai chương trình lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao công cộng tại một số khu vực khuân viên vườn hoa, công viên ở một số quận nội thành như công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy, công viên Hòa Bình, vườn hoa đường Võng Thị, đường Trích Sài quận Tây Hồ, công viên Thống Nhất… thu hút đươc rất nhiều người dân xung quanh khu vực đến để tập luyện thể thao hàng ngày.

Theo ghi nhận, tại mỗi điểm có trên 20 thiết bị tập thể dục thể thao, các thiết bị lắp đặt được thiết kế chắc chắn và ở những vị trí thuận lợi và an toàn cho người sử dụng. Các dụng cụ đơn giản và dễ tập đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng như tập lưng bụng, tập đạp tròn, đi bộ, xà kép tập tay và ngực, thiết bị xoay vai, tập toàn thân, xà đơn 3 người tập, tập đạp xe, tập kéo tay, tập lưng, lắc hông, lắc eo…
Từ khi đưa vào hoạt động, mỗi ngày khu tập thể thao ngoài trời thu hút rất đông người dân đến tập luyện, rèn sức khỏe.

Vào hai buổi sáng, chiều số lượng người dân tìm đến các khu vực này để luyện tập thể thao, rèn luyện sức khỏe rất đông. Có mặt tại vườn hoa đường Trích Sài (quận Tây Hồ) mặc dù mới chỉ hơn 4 giờ chiều nhưng số lượng người sử dụng thiết bị thể thao nơi đây rất đông, hầu hết là các tầng lớp trung niên, cao niên và một số thanh niên đến để luyện tập thể thao. Với hệ thống máy tập thể dục được lắp đặt bài bản, dễ tập, phù hợp với mọi lứa tuổi từ những vận động nhanh mạnh phù hợp với thanh niên cho đến những bài tập đơn giản, thoải mái phù hợp với người già…, với các dụng cụ tập như dụng cụ đi bộ trên không, thiết bị tập xoay eo, dụng cụ tập cơ bụng, dụng cụ tập tay vô lăng, dụng cụ tập cơ chân đùi…

Bà Nguyễn Thị Mùi, năm nay đã 66 tuổi, ở đường Trích Sài, người thường xuyên đến luyện tập ở đây cho hay: “Người dân chúng tôi đã mong mỏi có chỗ tập luyện như thế này từ lâu, từ ngày khu tập đi vào hoạt động thì ngày nào tôi cũng rủ cháu ra tập (trừ những ngày mưa bão) vừa rèn luyện sức khỏe vừa được hít thở không khí trong lành, được tập các dụng cụ này miễn phí nên rất hữu ích, nhất là đối với những người già như chúng tôi. Các dụng cụ đều rất dễ tập phù hợp với mọi lứa tuổi, ai cũng có thể luyện tập nên tôi ra đây để thường xuyên tập luyện rèn sức khỏe… nhà ở gần đây, đi bộ vài ba bước chân là tới lại được rèn luyện sức khỏe, được hít thở không khi trong lành, nhờ đó cũng lâu rồi tôi không phải tốn viên thuốc hay phải đi viện điều trị”.

Những thiết bị quen thuộc của bà Mùi là dụng cụ đi bộ trên không, thiết bị tập xoay eo, dụng cụ tập cơ bụng, dụng cụ tập tay vô lăng được bà sử dụng thuần thục. Bà cho hay, mỗi ngày thường dành khoảng 2 tiếng để tập, từ 8 đến 10 giờ sáng và từ 4 đến 6 giờ chiều. Theo bà Mùi, bà thường chọn thời điểm này vì vào thời gian này có ít người ít ra tập, bà có thể sử dụng được nhiều dụng cụ mà không phải chờ đợi lâu.

Còn ông Phan Văn Bính, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám cho hay, chiều nào sau khi đi làm về ông cũng ra đây để luyện tập. Từ ngày ở đây trang bị dụng cụ thể thao thì sức khỏe của ông được cải thiện rõ rệt, đi tập về việc ăn ngủ đều rất tốt, thêm vào đó là căn bệnh thấp khớp của ông bị cách đây hơn chục cứ trái gió trở trời khiến ông đau nhức dường như đã đỡ hẳn.

Người dân tập trung đông nhất là vào tầm 17 giờ đến 18 giờ 30, lúc đó khu vực sân tập thể dục thể thao ở vườn hoa này thường không còn chỗ trống, rất nhiều người dân đã phải ngồi chờ để đến lượt mình tập luyện. Bác Đào Trọng Nhân, cư dân sống trên đường Trích Sài cũng cho biết, thực sự đây là mô hình rất hay, giúp người trung niên – cao tuổi có không gian để tập luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe, cũng như phòng tránh được các bệnh tuổi già…

Còn tại các công viên như công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy cũng đã lắp đặt nhiều dụng cụ thể thao ngoài trời cho mọi người dân để tham gia rèn luyện thể thao và đã thu hút được hàng ngàn lượt người đến tập luyện mỗi ngày.

Theo chị Bùi Thu Hoa, nhà ở phố Tô Hiệu cho hay, kể từ khi các dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao được xây dựng thêm tại công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy), người dân ở đây đã có thêm lựa chọn, thêm không gian tập thể dục, thể thao. Măc dù các thiết bị tập luyện thể thao công cộng còn sơ sài so với ở các trung tâm, nhưng chị Hoa cho biết khá phù hợp, đặc biệt là phù hợp với những người cao tuổi. Đây là mô hình rất tốt, thu hút được nhiều người tham gia. Cũng theo chị Hoa, mô hình này cần nhân rộng hơn nữa, xây dựng tại nhiều điểm công cộng hơn nữa, để mọi người dân đều được thụ hưởng.

Cần nhân rộng ra khu vực ngoại thành…

Mặc dù việc lắp đặt các hệ thống thiết bị thể thao ngoài trời đã đem lại nguồn vui không nhỏ cho những cư dân ở các quận nội thành, tuy nhiên cư dân ở các quận, huyện ngoại thành, mặc dù có nhu cầu nhưng vẫn chưa được triển khai.

Được biết, mô hình lắp đặt các trang thiệt bị tập luyện thể dục thể thao ngoài trời trên địa bàn thành phố được Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội thực hiện thí điểm từ năm 2014 tại 2 quận Long Biên và Ba Đình, năm 2015 được thực hiện ở 2 quận Hà Đông và Tây Hồ, năm 2016 thực hiện ở 3 quận là Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có khoảng hơn chục điểm tập luyện thể dục thể thao ngoài trời được xây dựng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Theo Phó phòng Thể thao Quần chúng, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, ông Nguyễn Phúc Anh cho biết, Sở Văn hóa – Thể thao đã thống nhất sau khi hoàn thành các công trình này sẽ bàn giao cho Ủy ban Nhân dân các quận, Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Thể dục Thể thao hoặc Ban quản lý khu vực để quản lý và hướng dẫn người dân đến tập luyện.

Mặt khác cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tập luyện và giữ gìn tài sản chung. Việc đầu tư, phát triển các điểm tập luyện triển khai trên nguyên tắc tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước, đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia.

Còn về việc lắp đặt các hệ thống thiết bị thể thao ngoài trời đối với các quận, huyện ngoại thành, ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Thể thao Quần chúng (Sở Văn hóa – Thể Thao Hà Nội) cho hay, lộ trình thực hiện mô hình này sẽ được triển khai đến năm 2020 xét về mức độ phát triển và đô thị hóa.

Hiện nay, ở các khu dân cư ở nội thành dân cư tập trung đông đúc, khu vực dành cho tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng ít. Vì vậy, chương trình sẽ tập trung lắp đặt tại khu vực nội thành trước. Đến năm 2017 Sở mới có thể tiến hành lắp đặt các thiết bị ở khu vực các huyện thị xã thuộc thành phố và lúc đó người dân trên địa bàn thành phố sẽ được thụ hưởng các tiện ích này.

Lộ trình lắp đặt thiết bị thể thao về nông thôn là vậy, song thực tế mô hình này liệu có thực hiện triệt để được hay không, thì ngoài sự quyết tâm của các sở, ban, ngành còn cần phải có sự linh hoạt trong cách thực hiện và triển khai.

Thậm chí theo ý của nhiều người dân, nên gắn việc xây dựng mô hình này tại các khu vực nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại khu vực ngoại thành và nông thôn, xem đó là tiêu chí công nhận cho những xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có như vậy người dân ngoại thành và nông thôn mới sớm được thụ hưởng công bằng về các dịch vụ liên quan đến thể dục – thể thao để rèn luyện nâng cao sức khỏe.

Theo Đỗ Trần/KD&PL