“Đãi vàng” buổi sáng trong công viên Biên Hòa

Mỗi sáng sớm, tại các công viên, những khu vỉa hè quang đãng ở TP.Biên Hòa lại có nhiều người tìm đến tập thể dục, đi bộ, đánh cầu lông… Người cao tuổi tìm lại sức khỏe đã mất theo thời gian, thanh niên thì bổ sung năng lượng tinh thần cho ngày mới….

images911650_8_dai_vang_2 (1) 

“Tiếp lửa” cho tinh thần

Từ nhiều năm nay, cứ 4 giờ 30 mỗi sáng, ông Nguyễn Văn Hiếu (65 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) lại cùng vài người bạn hàng xóm đến Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh tập thể dục. Cả vợ con ông cũng đến đây tập thể dục. Mỗi người một sở thích, một nhóm tập riêng, vợ ông thì chơi cầu lông, con gái ông thì đi bộ cùng bạn bè.

Thấy chúng tôi khoác hai chiếc áo dày cộm, ôm chặt ba lô ngồi co ro trước cái lạnh của buổi sớm cuối năm, ông Hiếu kéo chúng tôi ra làm vài động tác khởi động cho nóng người cùng với ông. “Nhìn cậu thế này mà sợ lạnh à, ngày nào tôi cũng ra đây tập thể dục sớm mà có thấy gì đâu. Trừ những ngày trời mưa và tết, những ngày còn lại tôi đều đến đây tập thể dục buổi sáng sớm. Ngày còn đi làm, tôi ít khi tập thể dục lắm, cứ sáng dậy là tất bật đi làm, chiều lại la cà quán nhậu với đồng nghiệp. Đến khi về hưu, có thời gian rảnh, tôi lại thấy thích thú với hoạt động thể dục buổi sáng. Vận động tay chân một lúc, hít thở khí trời khi chưa nhiễm khói bụi giúp tinh thần mình sảng khoái hẳn cậu ạ. Ở nhà tôi cũng có máy tập chạy bộ, nhưng tôi không thích, ra đây gặp gỡ mọi người nói chuyện cho vui, già mà cứ quanh quẩn trong nhà cũng thấy ngột ngạt” – vừa hướng dẫn chúng tôi vài động tác tập thể dục, ông Hiếu vừa nói.

 

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì những người bạn tập thể dục của ông Hiếu tìm đến tập cùng. Mọi người bắt đầu đi bộ và trò chuyện rôm rả, chủ đề là việc gia đình, học tập của con cái.

Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Nguyễn Quang Hữu (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bước đi vẫn rất nhanh nhẹn. Vừa đi, ông vừa nói chuyện rất lớn với chúng tôi: “Tui là dân biển Vũng Tàu. Hồi còn ở ngoài đó, ngày nào tui cũng dậy sớm bơi vài vòng ra mấy cái mỏm đá gần bờ biển rồi mới chịu về. Giờ có tuổi rồi, vào đây sinh sống với con cháu, tụi nhỏ không cho tui ra sông bơi, nên tui chỉ còn cách ra đây cùng mấy ông bạn già tập thể dục cho vui, cho khỏe. Người già tụi tui thích có người nói chuyện với mình, hiểu được suy nghĩ của mình, chứ mấy đứa nhỏ trong nhà cứ kêu tui ở nhà, ra ngoài tụi nó sợ tui đau bệnh” – ông Hữu vừa kể, vừa diễn tả lại cảnh ông vật lộn với những con sóng biển khi còn trẻ.

Tại Công viên Biên Hùng (TP.Biên Hòa), mới 5 giờ sáng nhưng đã có rất đông người đến đây tập thể dục. Phần đông trong số họ là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, người trung niên thì ít hơn. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thanh Thảo (20 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, là sinh viên không có nhiều thời gian cho việc tập luyện thể dục – thể thao, nên mỗi lần đi ngang Công viên Biên Hùng, chị thường ghé vào sử dụng những máy tập thể thao công cộng ở đây. Hệ thống máy tập gồm: xà đơn, máy tập cơ đùi, cơ hông… ở đây đã gây được sự thích thú cho những người tập thể dục vào buổi sáng.

Quý hơn vàng

Chậm rãi quay những vô-lăng của máy tập tay ở Công viên Biên Hùng, ông Nguyễn Văn Lý (78 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, buổi chiều ông thường tập cùng với đứa cháu nội 15 tuổi, còn buổi sáng ông tập một mình. “Nhà chật hẹp nên tôi thích ra công viên vào buổi sáng để hít thở khí trời và vận động cho giãn gân cốt. Mấy cái máy tập này phù hợp với mọi người, nhất là người già. Chỉ tiếc là máy tập hơi ít, nên buổi chiều tôi phải đợi người khác tập xong mới có máy để tập. Tôi bị cao huyết áp, lại vướng nhiều bệnh khác, đi lại, sinh hoạt khó khăn lắm. Từ khi theo cháu nội ra đây tập thể dục, mới có hơn tháng mà tôi đi vững hơn rồi, bước đi cũng dài hơn trước. Cái máy cử động vòng tay này làm tay tôi quay hết vòng, nên giờ linh hoạt hơn” – ông Lý cười hớn hở khoe bắp tay cho chúng tôi xem.

 Thấy chúng tôi trò chuyện với những người đang tập thể dục ở đây, một nhân viên bảo vệ công viên tiến đến nói với chúng tôi: “Trước khi lắp máy tập này, mấy cụ già chỉ ra đây đi bộ và hay than phiền không gian nhỏ quá, không thoải mái như ở Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Giờ có máy tập công cộng, các cụ lại thường xuyên ra đây hơn, có cụ tập đến chiều tối, khi con cháu ra mời về ăn cơm mới chịu thôi. Mấy cụ còn hỏi tôi sao công viên đặt ít máy tập quá, nếu đặt nhiều hơn thì cụ sẽ rủ bạn bè tới tập cho vui…”.

 “Khi còn trẻ, người ta thường thờ ơ với sức khỏe bản thân, đến khi bệnh tật hành hạ đến tiều tụy rồi mới thấy tiếc. Đời người có mấy mươi năm đâu mà…” – vừa lấy chiếc máy kiểm tra huyết áp ra đo sau buổi tập thể dục, ông Nguyễn Văn Hiếu vừa nói.

 Đến 6 giờ, khi quay trở lại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, chúng tôi thấy nhóm ông Hiếu vẫn đang tập. Lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, từ từ uống nước trong chai, ông bảo những người cùng ông đến đây tập thể dục đều mang trong người ít nhất một căn bệnh tích lũy từ những năm mải mê công việc mà quên mất sức khỏe bản thân. Riêng ông bị bệnh tiểu đường, căn bệnh hành hạ ông nhiều năm. Từ khi tham gia tập luyện cùng mọi người, sức khỏe của ông đã tốt hơn trước rất nhiều.

 Ông Hiếu kể: “Hồi còn đi làm, một tuần tôi đi nhậu cùng đối tác, bạn bè hết 4-5 ngày. Đã vậy, về nhà còn ít vận động, nên mắc bệnh huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ…, thuốc thang bao nhiêu cũng không khỏi. Từ khi con gái rủ đi tập thể dục buổi sáng, hít thở khí trời, vận động thân thể, tôi thấy hiệu quả, nên đã rủ nhiều người bạn giống tôi đi tập cho vui. Giờ chúng tôi còn định lập đội bóng dành cho mấy ông về hưu nữa đấy. Sức khỏe là “vàng” mà, chơi thể thao cũng giống như mình tự tích trữ vàng, mà “vàng” này còn quý hơn vàng cây, vàng miếng, giá cả vốn lên xuống liên tục…” – nói xong, ông lấy trong túi xách một quả bóng da và gọi các bạn tập thể dục đến biểu diễn cho chúng tôi xem.

 Không tham gia đá bóng, ông Quang đến vỗ vai chúng tôi và nói: “Tui thấy cậu tướng tá ngon lành, nhưng đừng quên tập luyện thể dục – thể thao hàng ngày. Bởi tập thể dục – thể thao vừa có sức khỏe cho công việc, vừa có thêm bạn bè giao lưu như tụi tui nè. Cậu còn cả cuộc đời phía trước, cố gắng lên, đừng để như mấy ông già này nhé, bệnh tật đầy người rồi mới thấy hối hận…”.

 Đăng Tùng (Citinews)